Ngăn chặn 'trẻ hóa tội phạm'

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội và ngày càng 'trẻ hóa' đối tượng phạm tội. Trước hết là do đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi bởi ở độ tuổi này, các cháu dễ bị lôi kéo, kích động và thích thể hiện bản thân.

Điểm mặt nguyên nhân

Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên (gọi chung là người chưa thành niên - chưa đủ 18 tuổi) phạm tội ngày càng nhiều, đặc biệt là các tội phạm liên quan đến trật tự trị an, như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, ma túy, gây rối trật tự công cộng…

Nhóm bị cáo sinh năm 2006, 2007 bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử. (Ảnh: N.A)

Nhóm bị cáo sinh năm 2006, 2007 bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử. (Ảnh: N.A)

Điển hình như vào ngày 2/5/2024, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Q.K (SN 2006) 18 năm tù, Nguyễn H.Đ (SN 2008) 11 năm tù và Nguyễn Ng.Th. (SN 2007) 10 năm tù, cùng về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là 2 thiếu niên 16 tuổi.

Vụ án xuất phát từ việc va chạm trên đường đi học về, K. nhắn tin thách thức hẹn bạn cùng trường đánh nhau. Hôm sau, nam thanh niên này kéo thêm bạn bè, mang hung khí truy sát, khiến 2 nam sinh tử vong.

Gần đây nhất, ngày 15/5/2024, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) thông tin đã áp dụng các biện pháp tố tụng để xử lý nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí gây gổ đánh nhau, làm mất an ninh trật tự chỉ vì mâu thuẫn nhỏ khi mượn máy hút thuốc lá điện tử.

Do đâu thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng nhiều?

Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), các vụ án có người chưa thành niên phạm tội đang có xu hướng tăng nhanh cả ở cấp huyện và cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, không ít vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng do bị can, bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên một mình hay cùng đồng bọn gây ra, với hành vi phạm tội không hề “non nớt”, “ngây thơ”.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến. (Ảnh: N.A)

Luật sư Trịnh Văn Tuyến. (Ảnh: N.A)

Luật sư Tuyến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người chưa thành niên phạm tội và ngày càng “trẻ hóa” đối tượng phạm tội. Trước hết là do đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi bởi ở độ tuổi này, các cháu dễ bị lôi kéo, kích động và thích thể hiện bản thân.

Ngoài ra, theo luật sư Tuyến, những rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình khiến trẻ em trong các gia đình này không được thực sự quan tâm. Một số nguyên nhân khác phải kể đến như trẻ em sống trong môi trường bạo lực, thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn xấu; thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương; hay ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, khoa học công nghệ…

“Bên cạnh đó, công tác giáo dục coi nặng kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, nhân cách, đặc biệt là đối với những học sinh cá biệt… cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tội phạm ngày càng trẻ hóa”, luật sư Tuyến phân tích.

Phân hóa lứa tuổi, áp dụng chính sách phù hợp

Theo phân tích của luật sư Tuyến, việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên chính là thiết chế mới để từng bước chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên phạm tội.

Năm 2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-CA quy định về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Tương đương. Thông tư này có các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức, giải thể, thẩm quyền các Tòa chuyên trách, trong đó có Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Năm 2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định phòng xử án, trong đó có quy định về phòng xét xử của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Ở đó, phòng xét xử người chưa thành niên khác hoàn toàn so với các phòng xét xử khác, và còn được mọi người gọi với một cái tên khác: “Phòng xét xử thân thiện”.

Năm 2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên…

“Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của luật đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng nhằm góp phần bảo vệ quyền trẻ em; mặt khác giúp phân hóa lứa tuổi, đối tượng phạm pháp để áp dụng chính sách phù hợp, hiệu quả”, luật sư Tuyến nhấn mạnh.

Được biết, tới đây, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục bổ sung những quy định về tố tụng thân thiện ngay trong giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố.

Luật sư Tuyến thấy rằng điều này thể hiện rõ tiến trình cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và đặc biệt là thêm các giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng người chưa thành niên phạm tội, cũng như tình trạng “trẻ hóa” tội phạm, góp phần xây dựng xã hội bình yên, trật tự.

Để giảm tình trạng tội phạm ngày càng “trẻ hóa”, ngoài chú trọng công tác giáo dục đạo đức song song với giáo dục trí thức, tăng cường sự quan tâm, giáo dục ngay từ trong gia đình, luật sư Tuyến cũng cho rằng xã hội có thể chung tay tạo ra nhiều “sân chơi” lành mạnh, bổ ích nhằm khích lệ người chưa thành niên tham gia…

Thu Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngan-chan-tre-hoa-toi-pham-172535.html