Ngăn chặn vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo

'Trong mỗi trường học đều có khẩu hiệu 'Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm'. Tôi cho rằng, cần đưa chữ 'tình thương' lên đầu tiên. Trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực. Dù giáo viên phải chịu sức ép bên ngoài rất lớn nhưng không thể đem bực dọc đó đến trường' - ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ sau những vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo gần đây.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Hàng loạt vụ việc liên quan đến ứng xử thiếu chuẩn mực của giáo viên gần đây đã gây ra bức xúc, tranh cãi và lo ngại trong dư luận. Một trong những vụ việc ảnh hưởng lớn tới uy tín ngành giáo dục Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung chính là việc cô Nguyễn Thị P - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4 (phụ trách môn Giáo dục công dân và công tác tư vấn học đường) trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) đã phạt đuổi một nữ sinh ra khỏi lớp và có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực chỉ vì em này không mua bánh sinh nhật cho lớp đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu. Chỉ với vài chục giây ghi lại hình ảnh cô P kéo lê nữ sinh đang gục xuống hành lang lớp học với câu nói không thể hiện một chút thương cảm nào, cô đã khiến cộng đồng mạng bất bình và ngành giáo dục phải quyết định tạm đình chỉ công việc cho đến khi công an xác minh rõ sự việc.

Phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo…

Phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo…

Vụ việc gây xôn xao tiếp theo là thầy dạy tiếng Anh ở trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất) đã có lời nói thô bạo, xúc phạm một học sinh lớp 10 ngay trên bục giảng. Mới đây nhất, ngày 4-10, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng đã phải đề nghị UBND thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) ra văn bản đóng cửa cơ sở mầm non tư thục Ngôi Sao Nhỏ trước clip ghi cảnh giáo viên cơ sở giáo dục này dúi đầu, bóp miệng trẻ 14 tháng tuổi gây phẫn nộ trong dư luận.

Công tác tư vấn tâm lý học đường đa phần vẫn chưa được chú trọng trong trường học. Trong khi đó, hàng chục triệu học sinh và hơn 2 triệu nhà giáo mỗi ngày đều có thể phải đối mặt với những tình huống thực tế rất khác nhau, đòi hỏi kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và những vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ, giải tỏa để tránh nảy sinh ra những hành vi đáng tiếc, phản giáo dục. Hiện, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đang có kế hoạch tăng cường phối hợp với các nhà trường tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh các vấn đề về tâm lý trong các nhà trường.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam

Không liên quan đến ứng xử cá nhân giáo viên nào, nhưng việc trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) từ chối dạy học sinh vì tin nhắn thắc mắc của phụ huynh cũng khiến nhiều người băn khoăn. Chính ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định, không thể vì lý do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với phụ huynh mà hiệu trưởng nhà trường ra thông báo xem xét đình chỉ học tập của học sinh. “Học sinh có tội tình gì mà lại đình chỉ học? Trường phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đặt tình thương lên trên hết, không thể làm như vậy được” - ông Trần Thế Cương nói. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, trong mọi trường hợp giáo viên cần đặt quyền lợi của học sinh lên đầu tiên. Khi học sinh vi phạm kỷ luật thì phải phạt, nhưng phạt trên tinh thần vừa răn đe, vừa dạy dỗ.

Hà Nội có số lượng trường học và học sinh rất lớn. Vì vậy có nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành ở một số nơi

Hà Nội có số lượng trường học và học sinh rất lớn. Vì vậy có nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành ở một số nơi

Sau nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo gây bức xúc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng cần chấn chỉnh đạo đức và giáo dục tư tưởng cho giáo viên. Ngành GD-ĐT Hà Nội kiên quyết xử lý các vi phạm đạo đức nhà giáo đối với các trường hợp nói trên. Bên cạnh đó, Hà Nội có số lượng trường học và học sinh rất lớn. Vì vậy có nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành ở một số nơi, có những tình huống bất ngờ xảy ra và đó chỉ là cá biệt. Toàn ngành thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo…

Biện pháp hành chính không thể giải quyết gốc vấn đề

Là giáo viên hơn 20 năm nay, cô Nguyễn Khánh Linh, trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho rằng, đã là nhà giáo thì mỗi người cần tự tu dưỡng phẩm chất đạo đức, kỹ năng sư phạm, kiến thức tâm lý giáo dục chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào kiến thức chuyên môn. Nếu làm tốt được những yêu cầu này thì giáo viên sẽ không mắc phải những lỗi ứng xử phản cảm như nói trên.

Với tính chất đặc biệt của nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể về chuẩn mực ứng xử của giáo viên đối với người học. Theo đó, ngôn ngữ phải chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình sao cho phù hợp với từng đối tượng và từng hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, có trách nhiệm; tôn trọng những điều khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe, động viên và khích lệ người học; xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện; không được xúc phạm, gây ra tổn thương và vụ lợi; không được trù dập, có định kiến, xâm hại và bạo hành; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu những hành vi mà người học vi phạm.

Đối với lãnh đạo các trường, phòng giáo dục, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, cần sâu sát hơn nữa với những việc diễn ra ở cơ sở mình. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tình huống tương tự, các nhà trường phải tăng cường duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc; đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học, tránh chỉ tập trung, quan tâm quá mức vào những thông tin phản cảm…

Ngoài các biện pháp hành chính, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường đa phần vẫn chưa được chú trọng trong trường học. Trong khi đó, hàng chục triệu học sinh và hơn 2 triệu nhà giáo mỗi ngày đều có thể phải đối mặt với những tình huống thực tế rất khác nhau, đòi hỏi kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và những vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ, giải tỏa để tránh nảy sinh ra những hành vi đáng tiếc, phản giáo dục. Hiện, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đang có kế hoạch tăng cường phối hợp với các nhà trường tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh các vấn đề về tâm lý trong các nhà trường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-chan-vi-pham-chuan-muc-dao-duc-nha-giao-post554088.antd