Ngăn chặn việc thổi phồng công dụng dược phẩm
Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người đã đăng bán các loại dược phẩm với quảng cáo thổi phồng công dụng như có thể phòng Covid-19, chữa được bách bệnh, tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh… Trong khi đó, theo cảnh báo của cơ quan chức năng thì các sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nên rất cần được ngăn chặn, xử lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ dược phẩm rao bán trên mạng xã hội để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Ảnh: Hương Dung
"Té nước theo mưa"...
Gần đây, thị trường mua bán thuốc Xuyên tâm liên trở nên sôi động do quảng cáo có thể điều trị Covid-19. Vì thế, nhiều người đã tìm mua sản phẩm khiến giá loại dược phẩm này bị "thổi" lên mức cao. Khảo sát của phóng viên, hiện có hàng chục sản phẩm thuốc Xuyên tâm liên, với viên nén có giá 45.000-250.000 đồng/hộp; dạng xịt có giá 100.000 đồng/lọ; viên sủi có giá 150.000-200.000 đồng/hộp; trà túi lọc có giá 130.000-170.000 đồng/hộp… Chị Lê Minh Hằng bán thuốc ở phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho biết, khoảng 10 ngày gần đây lượng người mua thuốc Xuyên tâm liên quá nhiều; thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng đặt tiền trước để nhờ nhà thuốc mua hộ, chấp nhận giá cao hơn.
Là người được nghe truyền tai về công dụng của Xuyên tâm liên, chị Nguyễn Hoàng Yến, nhà ở phố Láng Hạ (quận Đống Đa) cho biết, do lo sợ dịch bệnh nên những ngày qua, chị đã lùng mua thuốc này cho gia đình, nhưng giá không đồng nhất. Chẳng hạn, cùng là thuốc Xuyên tâm liên dạng viên nang của Hãng Takeda Tokyo Japan nhưng ở chợ thuốc Hapulico có giá 70.000 đồng/hộp 30 viên, trong khi các trang mạng xã hội đều bán với giá 170.000-200.000 đồng/hộp, mua từ 4 hộp trở lên giá 159.000 đồng/hộp.
Tương tự, cư dân mạng cũng mách nhau việc uống vitamin C để tăng sức đề kháng, phòng ngừa Covid-19 khiến giá vitamin này cũng tăng cao. Anh Trần Hồng Quân, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) sau khi nghe bạn nói công dụng nên đã mua liền 10 lọ vitamin C để dùng dần. Tuy nhiên, do uống quá liều nên căn bệnh viêm loét dạ dày của anh tái phát.
Lợi dụng tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã "té nước theo mưa", dựa vào khả năng lan truyền của mạng xã hội, nhiều hãng dược quảng cáo thổi phồng công dụng của thuốc điều trị bệnh xương khớp, dạ dày... Gần đây, ngày 26-7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo trên trang web của đơn vị này, một số sản phẩm đang quảng cáo không đúng bản chất, như quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng nhưng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp…
Ngày 29-7, Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo về việc Công ty TNHH Thương mại HAND Việt Nam quảng cáo gây hiểu nhầm như loại thuốc chữa bệnh dạ dày có tên Dạ dày tâm vị. Theo tìm hiểu của phóng viên, Dạ dày tâm vị có giá 450.000-580.000 đồng/hộp, được rất nhiều người mua do quảng cáo hấp dẫn. Bà Phan Thị Diệp, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Nghe quảng cáo thuốc Dạ dày tâm vị có thể chữa khỏi vết loét dạ dày, tôi mua 3 lọ hết hơn 1,5 triệu đồng nhưng uống một thời gian, bệnh của tôi vẫn không thuyên giảm”.
Lực lượng chức năng thu giữ thuốc trị ho, thực phẩm chức năng chưa rõ công dụng tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thu Trang
Đừng để "tiền mất, tật mang"
Trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn” nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, có những đơn vị quảng cáo đã "mượn" hình ảnh những người có uy tín chuyên môn, ảnh hưởng rộng như bác sĩ, nhân viên y tế, hay nghệ sĩ có danh tiếng để tư vấn, quảng cáo sản phẩm cho họ. Tuy nhiên, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm. Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu là sản phẩm tốt, chính hãng cũng chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe, không có tác dụng điều trị bệnh hay diệt vi rút, trị cảm cúm.
Về vấn đề này, Lương y Nguyễn Hồng Siêm, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam cũng giải thích, Xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và điều trị cảm cúm. Tuy nhiên, loại thuốc này có chữa được Covid-19 không thì chưa ai dám khẳng định. Ông Siêm cũng đặc biệt cảnh báo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, không nên tin lời quảng cáo từ các sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Giải thích thêm, bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho rằng, việc dùng vitamin C đã được chứng minh giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng cho cơ thể. Tuy nhiên, việc tùy tiện sử dụng vitamin C rất nguy hiểm. Uống quá liều sẽ gây nguy cơ tạo sỏi thận khá cao. Thậm chí, khi cơ thể thừa vitamin C, có thể gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, dù là thuốc bổ nhưng việc bổ sung vitamin C vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) phân tích và cảnh báo, người dân thường có tâm lý thích tự ý đi mua thuốc về dùng. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc... Do đó, khi sử dụng phải có hướng dẫn của bác sĩ. Người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo thổi phồng công dụng mà đổ xô đi mua, để rồi “tiền mất, tật mang”.