Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? Bài cuối: Cần 'siết' hậu kiểm, hoàn thiện quy định về hoạt động hóa chất

Để quản lý chặt hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm nói chung và hóa chất Xyanua nói riêng, theo ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, cần tăng chế tài xử phạt, bổ sung nhân sự phục vụ công tác hậu kiểm, đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với các hoạt động mua bán hóa chất thực tế hiện nay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: dientuungdung.vn)

Ảnh minh họa. (Ảnh: dientuungdung.vn)

>>>>>Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào?

Yếu” về chế tài, “khó” về nhân sự

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Huy Nam Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất khẳng định, ở Việt Nam hiện nay Xyanua không phải là hóa chất bị cấm, nhưng do tính chất nguy hiểm của nó, việc quản lý hoạt động kinh doanh các hợp chất Xyanua trong lĩnh vực công nghiệp cũng đã được quản lý rất chặt chẽ. Tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh Xyanua khi được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế và chỉ được bán cho các đối tượng đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng vi phạm pháp luật, lạm dụng sai mục đích, dẫn tới xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng.

Theo ông Sơn, quy định pháp luật đã có nhưng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế vẫn chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế không có Giấy phép bị xử phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 50 triệu đồng đối với tổ chức; hành vi bán hóa chất hạn chế cho các đối tượng không đáp ứng điều kiện theo quy định bị xử phạt từ 5 - 15 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 30 triệu đồng đối với tổ chức.

“Với chế tài xử phạt này, một số tổ chức, cá nhân vẫn vì lợi nhuận mà kinh doanh hóa chất hạn chế bất chấp các quy định pháp luật. Do đó, trong thời gian tới cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế”, ông Sơn nói.

Mặc dù thời gian qua công tác hậu kiểm, kiểm tra, giám sát đã được tăng cường thực hiện, tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính vẫn còn hạn chế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Hóa chất đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra theo kế hoạch, đã phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hóa chất đối với 07 công ty, tổng số tiền nộp phạt và thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 498 triệu đồng.

Trong năm 2023, Cục Hóa chất đã tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất đối với 41 công ty, phát hiện 65 hành vi vi phạm và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 công ty, tổng số tiền nộp phạt và thu hồi vào ngân sách nhà nước là hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp đối với 02 công ty; tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp đối với 01 công ty; buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra huấn luyện về an toàn hóa chất định kỳ đối với 02 công ty.

“Để tăng cường công tác hậu kiểm, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ đã mở rộng thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực hóa chất đối với các chức danh Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, các chức danh thuộc lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan được mở rộng nhằm phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hóa chất là ngành đặc thù, chuyên môn sâu, hoạt động hóa chất trong thực tế tương đối đa dạng và phức tạp cho nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất của các lực lượng đôi khi còn gặp lúng túng”– ông Sơn cho hay.

Thêm vào đó, theo ông Sơn, hiện nay nhân sự thực hiện công tác quản lý hóa chất cũng đang gặp khó. Cục Hóa chất đang được biên chế 30 nhân sự và theo báo cáo của Sở Công Thương, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ có khoảng 30 cán bộ quản lý hóa chất có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất. Trong khi đó, Cục Hóa chất Thụy Điển có khoảng 300 nhân sự và chỉ tập trung thực hiện công tác hậu kiểm.

Như vậy, nguồn lực quản lý hóa chất như hiện nay là rất khiêm tốn khi so sánh với số lượng hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại Việt Nam”, ông Sơn phản ánh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, với xu hướng quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cần phải tăng cường hơn nữa nhân lực thực hiện công tác quản lý hóa chất ở cả trung ương và địa phương.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế

Ông Phạm Huy Nam Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

Ông Phạm Huy Nam Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Phạm Huy Nam Sơn cho biết, thời gian vừa qua, để tăng cường công tác quản lý hóa chất, Cục Hóa chất đã rất chủ động trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.

“Cục Hóa chất đã ưu tiên nguồn lực vận hành ổn định, cập nhật dữ liệu thường xuyên để duy trì một hệ thống cơ sở dữ liệu “sống” về hóa chất; từ đó chia sẻ dữ liệu, phân quyền truy cập cho cơ quan quản lý địa phương để nắm bắt thông tin phục vụ công tác quản lý” – ông Sơn nói.

Trong các hoạt động thẩm định điều kiện kinh doanh hóa chất hạn chế, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, đơn vị luôn mời đại diện Sở Công Thương tham gia phối hợp. Đồng thời, cử cán bộ tham gia phối hợp với địa phương để tổ chức hội thảo hướng dẫn một số quy định trong hoạt động hóa chất, hay mời cán bộ quản lý ở địa phương tham dự các khóa đào tạo chuyên môn ở nước ngoài, để nâng cao trình độ...

Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm nói chung và hóa chất Xyanua nói riêng, theo Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, đồng thời các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất cũng cần chủ động tìm hiểu quy định, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với các hoạt động hóa chất thực tế hiện nay.

“Các quy định quản lý hóa chất hiện nay mới chỉ tập trung quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, các quy định quản lý đối với hoạt động sử dụng hóa chất còn khá mờ nhạt. Theo số liệu trên Cơ sở dữ liệu hóa chất, trong giai đoạn 2021-2023 chỉ có 1 doanh nghiệp báo cáo có sử dụng Xyanua, điều này chứng tỏ các đơn vị sử dụng hóa chất hầu hết chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định” – ông Sơn nêu.

Do đó, trong quá trình xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Sơn cho biết, Cục Hóa chất đã đề xuất bổ sung thêm các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất, tăng cường quản lý hóa chất nguy hiểm nói chung và hóa chất cần kiểm soát đặc biệt nói riêng thông qua hệ thống kiểm soát điện tử. Mọi quá trình mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ được cập nhật liên tục trên hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý.

Cùng với đó, cần có các quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm trên không gian mạng, kiểm soát hoạt động vận chuyển hóa chất thông qua hình thức giao hàng trực tuyến.

“Cục Hóa chất đang được giao tham mưu xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), trong đó hướng đến quản lý hóa chất chặt chẽ, đồng bộ trong toàn bộ vòng đời. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan như các quy định về thương mại điện tử, quảng cáo hóa chất...” – ông Sơn nói.

Thanh Hà - Huyền Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngan-chan-vu-viec-thuong-tam-do-xyanua-cach-nao-bai-cuoi-can-siet-hau-kiem-hoan-thien-quy-dinh-ve-hoat-dong-hoa-chat-post521432.html