Ngăn chặn, xử lý nghiêm 'ma men' dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Lực lượng chức năng đã lên nhiều phương án, ngăn chặn 'ma men' điều khiển phương tiện giao thông dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), việc xử lý nồng độ cồn không chỉ được thực hiện trong các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm mà còn được tăng cường trong mỗi dịp nghỉ nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ.
"Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng CSGT các địa phương huy động lực lượng, thiết bị để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông như: chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt, dừng đỗ…", Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng tuyên truyền, Cục CSGT thông tin.
Ngoài lực lượng CSGT, lực lượng Thanh tra giao thông cũng phối hợp với các bến xe kiểm tra các tài xế ngay tại bến để đảm bảo không có tài xế nào sử dụng rượu bia trước khi vận chuyển hành khách.
Trước đó, sau 25 ngày thực hiện chuyên đề trên QL5 (6/8 đến 31/8), lực lượng CSGT đã phát hiện 385 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn (lái xe tải: 4; lái xe con: 48; lái xe container: 5; lái xe mô tô: 328). Phạt tiền hơn 2 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, pháp luật nghiêm minh, tuyên truyền thường xuyên đến thế nào đi nữa cũng không thể hơn được những tác động từ phía người thân, gia đình. Mỗi gia đình kiên quyết không để người thân lái xe khi say xỉn sẽ góp một phần rất quan trọng vào việc ngăn chặn tai nạn giao thông, đẩy lui "ma men" sau tay lái.
Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát hơn nữa với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Những chiến dịch cao điểm đã cho thấy kết quả rất tích cực, nhưng hết chiến dịch, vi phạm lại tái diễn. Thực tế đó đòi hỏi sự tập trung, bền bỉ trong tuần tra, xử phạt.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng đánh giá, trong những dịp nghỉ lễ, thói quen của người dân chưa thay đổi, nhiều người vẫn chưa sợ bị phạt.
Theo TS Phạm Việt Cường, xử phạt chỉ là một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm nồng độ cồn, nhưng cần đặc biệt tăng cường các biện pháp giảm sự tiếp cận của người dân với bia rượu, qua đó giảm dần tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
"Việc xử phạt tới thời điểm này không phải quá nhẹ, mức xử phạt rất cao, tăng cường lực lượng cưỡng chế cũng không ít, nhưng thói quen sử dụng rượu bia và việc sử dụng rượu bia giống như việc rất bình thường – cái đấy cần phải thay đổi. Trong đó việc kiểm soát uống, hạn chế quảng cáo, tăng thuế, thậm chí tăng giá các sản phẩm rượu bia. Đó là những biện pháp giúp cho việc giảm uống xuống", TS Phạm Việt Cường cho biết thêm
Đêm 12/8, Ngô Công Hán (SN 1987) lái xe ô tô biển kiểm soát 30H-758.03 lao vào cây xăng tại số 111 đường Láng, phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội). Xe ô tô chỉ dừng lại sau khi đâm hàng loạt xe máy và nhân viên cây xăng. Vụ TNGT nghiêm trọng khiến ít nhất 8 người bị thương, rất may không xảy ra cháy nổ.
Làm việc với cơ quan công an, Ngô Công Hán trình bày trước khi gây tai nạn đã uống bia ở đường Láng, sau đó tự lái xe về. Trong lúc điều khiển phương tiện không làm chủ được đã lao thẳng vào cây xăng với tốc độ cao khiến nhiều người bị thương.