Ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê

Trước thực trạng xe quá tải trọng cho phép vẫn lưu thông ở một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ngày 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản chỉ đạo các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, TP có đê gồm: Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, thị xã Việt Yên, TP Bắc Giang tập trung các giải pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Công văn nêu: Hiện nay, tình trạng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê vẫn diễn ra, nhiều đoạn bị lún, nứt gãy mặt đê, xuất hiện ổ voi, ổ gà ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt công tác hộ đê phòng, chống lụt, bão.

 Xe chở vật liệu xây dựng đi trên đê tả Thương, thuộc địa bàn xã Hương Gián (Yên Dũng). Ảnh chụp ngày 2/7/2024.

Xe chở vật liệu xây dựng đi trên đê tả Thương, thuộc địa bàn xã Hương Gián (Yên Dũng). Ảnh chụp ngày 2/7/2024.

Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP có đê chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn có các tuyến đê tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đê điều.

Tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải trọng đi trên đê, đặc biệt là những xe thường xuyên chở vật liệu quá tải trọng cho phép. Nghiên cứu lập barie, lắp đặt camera tại vị trí phù hợp để giám sát, hạn chế xe quá tải, quá khổ đi trên đê làm hư hỏng mặt đê. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều.

Yêu cầu các chủ bến bãi, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có sử dụng xe cơ giới phục vụ vận chuyển vật liệu, hàng hóa đi trên đê thực hiện cam kết với chính quyền địa phương về việc sử dụng xe đúng tải trọng đi trên đê theo quy định; thường xuyên tu bổ, sửa chữa lại mặt đê bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu, hàng hóa gây ra.

Rà soát, giải tỏa và dừng hoạt động bốc xếp trung chuyển hàng hóa, vật liệu tại các bến, bãi vật liệu xây dựng chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền. Những bến bãi đã được cấp phép nhưng vi phạm các nội dung cho phép thì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, kiến nghị UBND tỉnh thu giấy phép theo quy định. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc cố tình bao che, bỏ qua vi phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, các địa phương kiểm tra, rà soát, thực hiện việc lắp đặt biển báo giới hạn tải trọng đối với xe cơ giới đi trên đê.

Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP triển khai đồng bộ giải pháp ngăn chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận tải quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê.

Trước đó, ngày 6/7/2024, Báo Bắc Giang có bài về “Tái diễn tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê” phản ánh nhiều xe chở vật liệu xây dựng với số lượng lớn vẫn ngang nhiên chạy trên một số tuyến đê tả Thương thuộc địa bàn huyện Yên Dũng, TP Bắc Giang; đê tả Cầu (Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên).

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngan-chan-xu-ly-tinh-trang-xe-qua-tai-trong-di-tren-de-084651.bbg