Ngân hàng Anh sẽ phải chứng minh lợi nhuận để trấn an nhà đầu tư
Các ngân hàng lớn nhất của Vương quốc Anh tuần này sẽ công bố kết quả kinh doanh trong quý đầu tiên của năm 2023. Kết quả cụ thể sẽ thay đổi tùy theo mức độ tiếp xúc của từng ngân hàng với các thị trường biến động, nhưng lợi nhuận cao có được từ lãi suất cơ bản tăng được dự báo sẽ không kéo dài.
Ngân hàng thắng lớn nhờ lãi suất tăng
Các ông chủ ngân hàng của Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tuần này, khi các nhà đầu tư và nhà phân tích đánh giá hậu quả từ giai đoạn hỗn loạn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự hỗn loạn kết thúc bằng sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Credit Suisse, đồng thời đặt ra câu hỏi về điều gì đã xảy ra với lĩnh vực đã khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ chỉ hơn một thập kỷ trước.
Trong bối cảnh đó, những ngân hàng lớn nhất của Anh tuần này sẽ báo cáo về tình hình kinh doanh của họ trong 3 tháng đầu năm. Các chuyên gia ngân hàng sẽ xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch dự phòng của các ngân hàng để tránh bị kéo vào bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai, đồng thời đánh giá sự tin tưởng của các ông chủ ngân hàng đối với các quy định tài chính nhằm đủ sức bảo vệ, ứng phó với các hậu quả lớn hơn.
Trong đó, hai ngân hàng hàng đầu dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, cho thấy họ đã vững vàng thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn mà hầu như không bị tổn hại.
Lloyds và NatWest có hoạt động ngân hàng đầu tư nhỏ và chủ yếu tập trung vào phục vụ khách hàng bán lẻ, có lợi nhuận tăng cao do lãi suất tăng đột biến, trớ trêu thay cũng là nguyên nhân đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng ngắn hạn vào tháng trước. Cả hai dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% trong quý đầu tiên, nhờ các khoản phí cho vay và thế chấp cao hơn.
Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh hiện đang là 4,25% sau 11 lần tăng liên tiếp, tuy nhiên lãi suất tiết kiệm tiền gửi của một số ngân hàng và tổ chức tài chính áp dụng rộng rãi đang bị tụt lại phía sau. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp các ngân hàng của Anh thu được lợi nhuận khủng trong quý đầu năm.
Vào cuối tuần trước, NatWest - ngân hàng vẫn do chính phủ sở hữu 41,5% cổ phần - dự kiến sẽ báo cáo thu nhập lãi ròng tăng 50%, xuất phát từ chênh lệch giữa số tiền trả cho người gửi tiết kiệm và số tiền từ lãi suất áp dụng cho các khoản vay và thế chấp, lên tới 3 tỷ bảng Anh trong quý đầu tiên.
Mặc dù đã dành ra 250 triệu bảng Anh để dự phòng nghĩa vụ nợ gia tăng do các khách hàng gặp khó khăn, nhưng lợi nhuận của công ty mẹ đang sở hữu RBS - một trong những ngân hàng lâu đời nhất Vương quốc Anh, được dự báo sẽ tăng 33% lên 1,6 tỷ bảng Anh, theo ước tính của các nhà phân tích.
Lloyds cũng dự kiến báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận tương tự, lên 2 tỷ bảng Anh, từ mức 1,5 tỷ bảng Anh của năm ngoái, trong bối cảnh dự báo thu nhập lãi ròng tăng 20%.
Nhiều mối lo còn bỏ ngỏ
Kết quả tăng trưởng doanh thu quý đầu được ví như bức tranh tươi sáng sẽ khó có thể kéo dài. Giờ đây, các nhà phân tích đang băn khoăn về tăng trưởng lợi nhuận dài hạn, trong bối cảnh dự đoán Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa, thêm 25 điểm cơ bản, lên 4,5% vào tháng 5 tới, nhưng sau đó sẽ giữ nguyên, vì lạm phát có khả năng giảm bớt. Điều đó có thể sẽ đánh dấu sự kết thúc của quá trình tăng trưởng đối với các ngân hàng bán lẻ, vốn đã dành cả thập kỷ qua để than thở về tác động làm giảm lợi nhuận do lãi suất gần như bằng không.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành đang phải đối mặt với những chất vấn về việc liệu họ có cảm thấy đủ tự tin đã đối xử công bằng với những người tiết kiệm trong giai đoạn lãi suất cao hơn này hay không?
Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực thi tài chính Vương Quốc Anh (FCA) đã cảnh báo một số ngân hàng đang keo kiệt với việc tăng lãi suất tiết kiệm, đưa ra mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn đáng kể so với lãi suất cơ bản, thậm chí có xu hướng thấp hơn nhiều so với lãi suất áp dụng cho khách hàng vay và thế chấp. FCA cũng cảnh báo về “các biện pháp can thiệp nặng nề” sẽ được xem xét nếu tình trạng không được giải quyết hợp lý.
Barclays và HSBC thu được phần lớn doanh thu từ các hoạt động ngân hàng đầu tư - vốn chịu ảnh hưởng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và biến động thị trường - và lợi nhuận của họ có thể kém khả quan hơn. Trong khi HSBC vẫn chưa công bố các ước tính số liệu báo cáo kinh doanh hợp nhất, Barclays dự kiến sẽ công bố khoản lợi nhuận cố định là 2,2 tỷ bảng Anh trong kết quả kinh doanh dự kiến vào ngày thứ Năm tuần này.
Nguyên nhân chính là do lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh hiện đang là 4,25% sau 11 lần tăng liên tiếp, tuy nhiên lãi suất tiết kiệm tiền gửi của một số ngân hàng và tổ chức tài chính áp dụng rộng rãi đang bị tụt lại phía sau.
Phần lớn sự chênh lệch này là ở các khoản tiền gửi của khách hàng. Barclays Everyday Saver chỉ trả lãi suất 0,65% và Santander Everyday Saver trả 0,7%. Easy Saver của Lloyds chỉ cung cấp mức lãi suất 0,65% trừ khi người gửi tiết kiệm có 25.000 bảng Anh trở lên trong tài khoản.
Có những chương trình tiết kiệm khác thậm chí còn trả ít hơn: Chương trình tiết kiệm hàng ngày của Virgin Money chỉ cung cấp mức lãi suất 0,25%.
Trong một lá thư gửi tới ủy ban, Giám đốc điều hành của FCA - Nikhil Rathi cho biết, “nghĩa vụ người tiêu dùng” - quy tắc mới của FCA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/7 tới, sẽ đảm bảo các công ty tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đầu tư - tập trung vào việc mang lại “kết quả tốt” cho khách hàng.
Ông nói thêm, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào “sự công bằng của việc định giá” cho tất cả các nhóm người tiết kiệm, điều này sẽ thách thức một số thông lệ hiện tại và đòi hỏi “một sự thay đổi văn hóa quan trọng”.
Cùng với vấn đề lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, 4 ngân hàng cũng sẽ phải nêu quan điểm của họ về cuộc khủng hoảng thị trường gần đây, cũng như các phản ứng chính sách của cơ quan quản lý để ổn định tình hình.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng trước đã làm dấy lên những lo ngại mới về việc liệu các biện pháp bảo vệ được đưa ra sau vụ sụp đổ ngân hàng năm 2008 có đủ hay không. Các cơ quan quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang xem xét một loạt các biện pháp có thể tăng cường các biện pháp bảo vệ hiện có, kiềm chế sự hoảng loạn của thị trường và hạn chế tác động kinh tế của các vụ đổ vỡ ngân hàng tiếp theo.
Điều đó bao gồm việc ngân hàng có khả năng tăng số tiền tiết kiệm được đảm bảo nếu ngân hàng của họ phá sản. Vì vậy, các giám đốc điều hành ngân hàng của Vương quốc Anh có thể cũng sẽ gặp khó khăn khi được yêu cầu về việc tăng chương trình bảo hiểm tiền gửi, do một số ông chủ ngân hàng cho rằng, khoản tiền này quá tốn kém và có nguy cơ trợ cấp cho những người cho vay rủi ro hơn.
Ngoài ra, tháng trước các ngân hàng của Mỹ đã rót 30 tỷ USD vào ngân hàng First Republic Bank đang gặp khó khăn có trụ sở tại California, nhằm thể hiện sự đoàn kết nhằm mục đích củng cố niềm tin trong bối cảnh thị trường đang hoảng loạn. Với động thái này, các ngân hàng Vương quốc Anh giờ đây cũng sẽ phải chịu áp lực phải thể hiện sự sẵn sàng làm theo nếu được yêu cầu, đồng nghĩa với việc chịu tổn thất về tài chính vì lợi ích lớn hơn của hệ thống./.