Ngân hàng ảo phát triển ở Đông Nam Á
Không bắt buộc phải mở chi nhánh, các ngân hàng ảo mới dự kiến sẽ làm rung chuyển thị trường cho vay không cần bảo đảm và sử dụng Singapore như nền tảng để nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á cũng như 250 triệu người trưởng thành trong khu vực.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) thông báo sẽ cấp 5 giấy phép ngân hàng kỹ thuật số mới, mở ra một lĩnh vực mới cho những doanh nghiệp phi ngân hàng, như dịch vụ gọi xe địa phương của Grab. Có ít nhất 2 công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) - là các công ty sử dụng những công nghệ khác nhau để cung cấp các dịch vụ tài chính như thanh toán kỹ thuật số - chính thức tuyên bố sẽ xin giấy phép. Theo ước tính của Moody, các ngân hàng kỹ thuật số chi phí thấp ở Singapore vừa được cấp phép đang chiếm tới 2% trong lĩnh vực ngân hàng nội địa của đất nước trị giá khoảng 24,3 tỷ USD.
Chính phủ Singapore hy vọng các ngân hàng kỹ thuật số sẽ có thể cung cấp dịch vụ của họ với giá rẻ hơn nhiều cho những khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ, những đối tượng khách hàng mà trước đây bị các tổ chức tài chính truyền thống từ chối “phục vụ”. Theo Nikkei Asian Review, mặc dù giấy phép mở ngân hàng kỹ thuật số mới chỉ dành cho thị trường Singapore, nhưng người ta tin rằng không bao lâu sẽ được mở trên khắp Đông Nam Á. Theo dữ liệu Global Findex 2017 của Ngân hàng Thế giới, chỉ có 48% người Indonesia từ 15 tuổi trở lên được mở tài khoản ngân hàng, và con số này lần lượt là 32% ở Philippines, 30% ở Việt Nam.
Theo ông Prajit Nanu, CEO của InstaRem, một nền tảng chuyển tiền có trụ sở tại Singapore cho biết: “InstaRem sẽ xin giấy phép mở ngân hàng kỹ thuật số, vì loại hình dịch vụ này cho thấy tiềm năng rất lớn trong cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ngoài InstaRem, một công ty fintech khác có trụ sở tại Singapore sẽ xin cấp giấy phép ngân hàng là nền tảng cho vay ngang hàng (peer to peer) là Validus Capital. Công ty này hiện đang kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ với người cho vay và đã tạo điều kiện cho khoảng 5.000 khoản vay kể từ năm 2015. Theo Chủ tịch điều hành Vikas Nahata, với khoảng 14,7 tỷ USD một năm “nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng” chỉ riêng ở Singapore, công ty của ông sẽ có thể cung cấp các dịch vụ bao gồm ngoại hối và tiền gửi dưới dạng “một cửa” trên điện thoại di động. Các công ty khác đang chạy giấy phép ngân hàng kỹ thuật số bao gồm Grab-haler Grab, nhà sản xuất phần cứng chơi game Razer...
Sau động thái của Singapore, ngân hàng trung ương của Malaysia cũng đang tạo ra một khung pháp lý mới cho phép các tổ chức phi ngân hàng trở thành ngân hàng. Nếu như sự cấp phép cho ra đời những ngân hàng kỹ thuật số dành cho các công ty “phi ngân hàng” của Singapore mang lại lợi ích cho khách hàng nghèo vì chi phí thấp thì nó cũng đang là mối lo của những ngân hàng nhỏ hơn trong lĩnh vực này. Theo Simon Chen, chuyên gia phân tích của dịch vụ đầu tư của Moody tại Singapore, mặc dù các hạn chế ban đầu của chính phủ sẽ ngăn các ngân hàng kỹ thuật số tăng thị phần quá nhanh, nhưng những hạn chế đó sẽ được dỡ bỏ sau đó tùy thuộc vào việc mỗi ngân hàng mới đáp ứng tất cả các yêu cầu do MAS đặt ra. Đây cũng là tin xấu đối với các ngân hàng nhỏ thuộc sở hữu nước ngoài đang hoạt động tại Singapore.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngan-hang-ao-phat-trien-o-dong-nam-a-606599.html