Ngân hàng báo lãi 'khủng,' doanh nghiệp vẫn đứng ngồi vì thiếu vốn

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khiến ngân hàng lãi 'khủng,' trong khi tình trạng 'khát vốn' vẫn đang gây trở ngại cho quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Giao dịch tại ngân hàng (Nguồn: TTXVN)

Giao dịch tại ngân hàng (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%. Bên cạnh đó có 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trái ngược với tình trạng trên, lợi nhuận của một số ngân hàng lại tăng. Nhiều ý kiến cho rằng liệu đây có phải là một nghịch lý và liệu ngân hàng có đang "ngồi mát ăn bát vàng"?

Nhiều ngân hàng dự báo lãi "khủng"

Mặc dù đến thời điểm này, mới chỉ có Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) chính thức công bố kết quả hoạt động 9 tháng, với lợi nhuận đạt 4.400 tỷ đồng và tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái, song theo báo cáo của Công ty SSI Research dự báo kết quả kinh doanh của một loạt ngân hàng cho thấy đều có lợi nhuận "khủng" trong quý 3/2021.

Cụ thể, ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 5.200 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng 16%.

Đứng thứ hai về lợi nhuận là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với khoảng 5.000 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tín dụng 11,5% so với đầu năm. Nguyên nhân khiến lợi nhuận Vietcombank thấp hơn Techcombank là do ngân hàng này đẩy mạnh cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Tuy vậy, lũy kế 9 tháng, Vietcombank vẫn được dự báo là "quán quân" lợi nhuận của toàn hệ thống với con số 18.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tiếp đó là Techcombank đạt lợi nhuận 16.700 tỷ đồng. Cả năm 2021, Techcombank khả năng đạt 22.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Vietcombank có khả năng đạt 24.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 5,4%.

Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận tốt trong quý 3/2021 với lãi trước thuế ước đạt 3.200-3.400 tỷ đồng, vượt qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam-VietinBank (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Cũng như Vietcombank, lợi nhuận quý 3 của VietinBank bị ảnh hưởng do thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này cũng tăng cao do nguy cơ nợ xấu mới phát sinh. SSI dự báo, lợi nhuận cả năm của VietinBank tăng 2,7% và chỉ có thể lấy lại phong độ tăng trưởng vào năm sau. Theo đó, năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này có thể chỉ đạt 17.300 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 21.800 tỷ đồng vào năm tới.

Trong số các ngân hàng được SSI Research dự báo kết quả hoạt động quý 3/2021, duy nhất Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) được dự báo sẽ tăng trưởng âm. Dù tăng trưởng tín dụng đạt 11% so với đầu năm, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực do VIB tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng.

Do đó, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế quý 3 của VIB ước tính đạt 1.300-1.400 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VIB dự báo vẫn đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ 2020.

Cần đồng hành với doanh nghiệp

Theo một số chuyên gia, mặc dù đã giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp song việc một số ngân hàng vẫn đạt được kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 đã thể hiện sự cố gắng của các nhà băng này; trong đó chủ yếu là nhờ tiết giảm các chi phí không cần thiết và đẩy mạnh từ nguồn thu từ dịch vụ…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong khi nhiều doanh nghiệp đang vật lộn vì đại dịch COVID-19 thì các ngân hàng vẫn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng là điều "phi lý". Hơn nữa, hiện doanh nghiệp vẫn đang "khát vốn" và mòn mỏi chờ được vay ngân hàng.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean, cho hay hiện đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo. Nếu muốn được giải ngân, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo…

Kết quả giảm lãi suất cho vay của 16 ngân hàng thương mại từ ngày 15/7-31/8/2021. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Kết quả giảm lãi suất cho vay của 16 ngân hàng thương mại từ ngày 15/7-31/8/2021. (Đơn vị: Tỷ đồng)

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lại nhìn nhận lợi nhuận của ngân hàng tăng cao là do ngân hàng không giảm lãi suất đầu ra, trong khi lãi suất đầu vào giảm, điều này khiến chênh lệch lãi suất đã nới rộng hơn so với trước đây... Chính vì vậy mà dẫn đến nghịch lý: Ngân hàng thì lãi khủng, còn doanh nghiệp thì thoi thóp!

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, lý giải hiện chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra mà thị trường thấy chỉ là chênh lệch thô, chưa trừ đi chi phí hoạt động và chi phí rủi ro, trong đó tùy từng khách hàng mà chi phí rủi ro có thể chiếm từ 2%-3%. Vì vậy, nếu trừ đi các chi phí, bao gồm chi phí rủi ro thì chênh lệch giữa lãi suất đầu vào đầu ra không tạo ra lợi nhuận cao cho ngân hàng.

Còn theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, khi xét đến lợi nhuận ngân hàng cần có cái nhìn chính xác chỉ tiêu về doanh thu. Bởi trong doanh thu của ngân hàng, có 2 chỉ tiêu rất quan trọng là tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) và tỷ lệ dự phòng trên doanh thu (PIR). Hiện tại, CIR của các ngân hàng đang giảm rất mạnh, với mức giảm 2 đến 3 điểm % mỗi năm, trong khi đó PIR tăng theo từng năm. Do vậy, mức lợi nhuận có được hiện nay là do các ngân hàng đã tiết kiệm chi phí hoạt động…

Nhận định về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng cần phải nhìn vào cả quá trình, đó là từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi dân cư đến tổ chức tín dụng giảm, nên khả năng huy động vốn cũng có chiều hướng giảm. "Điều này kéo theo nguy cơ khó khăn về nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, dẫn tới áp lực thanh khoản có thể xảy ra trong tương lai," ông Hùng nói.

Về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trên thực tế từ năm 2020 đến nay, ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ dưới 4,5%/năm, thậm chí có khách hàng còn thấp hơn, lãi suất cho vay các lĩnh vực kinh tế thiết yếu trong khoảng từ 6%-7%/năm./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-bao-lai-khung-doanh-nghiep-van-dung-ngoi-vi-thieu-von/746025.vnp