Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần cơ quan quản lý can thiệp?

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, nhằm bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày (5/6), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc cho biết, Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ…

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề xuất ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được hỗ trợ vay vốn lãi suất 0%.

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đề xuất ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được hỗ trợ vay vốn lãi suất 0%.

Liên quan đến hoạt động của TCTD, với mục tiêu cơ cấu lại các TCTD, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt, trong dự thảo luật quy định về các trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” TCTD.

Theo đó, nhà băng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc TCTD không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ... thì một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ NHNN, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc “can thiệp sớm” là khi ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Do đó, cần rà soát các quy định can thiệp sớm phù hợp, luật hóa những trường hợp giám sát tăng cường cho đúng bản chất.

Một số ý kiến còn đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ về hai trường hợp: Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán và bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, không tự khắc phục được.

Đồng thời cần làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

T.H

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-bi-rut-tien-hang-loat-den-muc-do-nao-thi-can-co-quan-quan-ly-can-thiep-1093053.html