Ngân hàng chật vật xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu
Vẫn còn nhiều vụ tranh chấp kéo dài, qua nhiều lần xét xử vẫn chưa tìm được phương án giải quyết thỏa đáng, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên trong quá trình xử lý nợ xấu.
Theo ngân hàng Agribank, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Song đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Khi tài sản bảo đảm không còn đảm bảo
Những năm gần đây, Nhà nước cũng như Chính phủ luôn đề cao và coi trọng việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại các ngân hàng, một phần vừa làm trong sạch hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng, một phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ mới, dịch vụ bán đấu giá tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp.
Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng nếu vay có tài sản bảo đảm thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản (có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay) và khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, trao đổi với VnBusiness, giám đốc thu hồi nợ một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho hay, trên thực tế không phải tài sản bảo đảm nào đã được thế chấp tại Ngân hàng cũng có thể xử lý được theo đúng quy định, có những trường hợp ngân hàng nhận thế chấp, đã đăng ký giao dịch bảo đảm, người đứng tên trên giấy nhận quyền sử dụng đất đồng ý giao tài sản cho ngân hàng để ngân hàng xử lý phát mại. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn không xử lý được vì tài sản lại liên quan đến một vụ án hình sự, hoặc liên quan đến một án dân sự của bên thứ ba nào đó, vì thế đang từ khoản vay có tài sản bảo đảm trở thành khoản vay không “đảm bảo”.
Tại hội thảo “Các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa án”, tổ chức ngày 22/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đơn vị này đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các Tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng.
Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, các tranh chấp về hợp đồng tín dụng ngân hàng diễn ra với tần suất ngày càng tăng, với tính chất phức tạp. Đáng lưu ý, qua thống kê lượng án tín dụng không thể xử ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê, trong số 5.419 vụ án mà Tòa án Hà Nội đang giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2022 thì có tới 1.223 vụ án tranh chấp tín dụng, chiếm 23%. Trong số 2.400 vụ kinh doanh thương mại mà Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thụ lý thì có 778 vụ việc tranh chấp về đầu tư tài chính, ngân hàng, chiếm 32,5%.
Án tín dụng kéo dài, nhiều vướng mắc quanh tài sản bảo đảm
Trao đổi về các vướng mắc cụ thể, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, cho rằng thực tế xét xử, nhiều giao dịch bảo đảm của các TCTD, trong đó tập trung vào tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện).
Ông Long cho rằng, các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ. Không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận; cũng như quy định TCTD có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo giấy chứng nhận đó.
Đại diện một ngân hàng cho biết, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu do khách hàng sử dụng thủ tục phá sản để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, né tránh nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cản trở cho việc xử lý các vụ án.
Hay liên quan đến thủ tục thẩm định tại chỗ yêu cầu phải mời đương sự, biên bản phải có chữ ký của đương sự nhưng thực tế nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, không tham gia, không ký. Có tài sản là động sản như ô tô, tàu biển…, đương sự không chỉ chỗ thì không tìm được. Trong khi đó, vì lý do thủ tục thẩm định chưa hoàn thiện, Tòa án chưa đưa ra xét xử được.
Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản đảm bảo, đại diện Vụ Pháp chế, NHNN kiến nghị, Tòa án xem xét giải quyết một số vụ việc liên quan đến các TCTD, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các TCTD, thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba trong các tình huống: giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn.