Ngân hàng Chính sách xã hội 17 năm đồng hành cùng người nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn đang chắp cánh cho những ước mơ và ý chí góp sức xây dựng quê hương.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 11/3 năm 2020 này đánh dấu Ngân hàng Chính sách xã hội tròn 17 năm đi vào vận hành với vai trò đơn vị ủy thác duy nhất của Chính phủ thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

17 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ thực hiện tốt trọng trách Đảng, Chính phủ giao phó cho vay đúng, cho vay đủ, cùng với đó là việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng một hệ thống chính sách tín dụng có tính hỗ trợ, kế thừa, đáp ứng nhu cầu để giải quyết giảm nghèo, đặc biệt là huy động được nguồn lực trong nước và chính người nghèo để giải quyết bàn toán thoát nghèo bền vững.

Một điểm đến, vạn tâm tình

Về mảnh đất khô cằn, đầy nắng và gió bão Hà Tĩnh, đến thăm các hộ vay vốn càng thấm ý nghĩa của việc vận hành mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội. Ý chí kiên cường vượt khó, thoát nghèo của người dân nơi đây cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều năm qua đã trải nhựa sống trên từng cánh đồng, mang hạnh phúc vào từng căn nhà nhỏ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim ở khối 3 phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh là một ví dụ. Hơn 10 năm được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, sổ vay vốn ghi kín đặc đến trang cuối từ vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường…

Ba lần xin vay vốn cho 3 người con học đại học với số tiền 101,4 triệu đồng, đã trả 78 triệu đồng, dư nợ hộ nghèo còn 30 triệu đồng, cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà là cả quá trình chật vật. Nuôi được 7 người con chỉ với hơn 1 mẫu ruộng rồi thu hẹp dần xuống 7 xào, bà khẳng định nếu Nhà nước không có chính sách cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi lợn, gà, rồi buôn bán nhỏ nông cụ cùng chồng trên các huyện vùng cao thì chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn 3 cô con gái sau cũng phải tiếp bước “vết xe đổ” của 3 chị trước đó, hết cấp 3 nghỉ học, phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm rồi đi lấy chồng.

Nguồn vốn vay không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn đang chắp cánh cho những ước mơ và ý chí góp sức xây dựng quê hương, Tổ quốc của những người dân vùng đất hiếu học như Hà Tĩnh.

Đặc biệt, với quan điểm chưa phải là tỉnh giàu có nhưng Hà Tĩnh đã xác định việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người dân vay là cần thiết. Chỉ 5 năm qua, nguồn vốn địa phương ủy thác đã tăng lên gấp hơn 3 lần, hiện đạt trên 112 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của chi nhánh đến cuối tháng 2/2020 đạt trên 4.763 tỷ đồng, cho 117.269 khách hàng vay. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, tức là sau khi thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, nguồn vốn đã giúp 37 nghìn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận theo đa chiều của Hà Tĩnh xuống còn 4,53%.

Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi khẳng định kết quả của chính sách tín dụng cho người nghèo mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng là chủ trương ý Đảng hợp lòng dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung tay giảm nghèo. Tín dụng chính sách đã, đang đạt kết quả cao, góp phần giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.”

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Huy động sức mạnh để giảm nghèo

Hà Tĩnh chỉ là một trong 63 bức tranh giảm nghèo của cả nước được bồi đắp bởi nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam vươn lên quốc gia có mức thu nhập trung bình thế giới khiến các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế đối với người nghèo và đối tượng yếu thế giảm; các hiệp ước thương mại ngày càng nhiều mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, song cũng tạo ra những thách thức và áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội khi nguy cơ chênh lệch mức sống ngày càng lớn, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng doãng rộng, người nghèo sẽ ngày càng tụt lại phía sau.

Đón bắt được những vấn đề này từ sự sâu sát với đời sống, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách, từ 3 chương trình cho vay vào năm 2003 khi mới hoạt động, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện 22 chương trình tín dụng…

Đặc biệt, giai đoạn 10 năm (2011-2020) thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Số hộ nghèo giảm mạnh từng năm như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 9,45%, giảm về 5,2% cuối năm 2015 và tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều là gần 10%.

Song nguy cơ tái nghèo cao, nhất là vùng lõi nghèo thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, cùng với kiến thức canh tác nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp. Vì vậy, khi 2 chương trình tín dụng chính sách bù lấp vào những khoảng trống này đã góp phần đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Tính đến tháng 1/2020, dư nợ cho vay hộ nghèo giảm không nhiều so với năm 2010, từ 36.166 tỷ đồng xuống còn 34,692 tỷ đồng, song cơ cấu cho vay hộ nghèo đã giảm từ 40,4% xuống còn 16,7% trong tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thay vào đó, dư nợ cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tăng mạnh với tỷ trọng dư nợ tương ứng là 15,4% (đạt 31.856 tỷ đồng) và 16,8% (đạt 34.749,7 tỷ đồng).

Bên cạnh mở rộng các chương trình tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chính sách huy động nguồn lực đảm bảo 100% các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế từ nguồn vốn và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay.

Đỉnh cao của việc kết nối cả hệ thống chính trị-xã hội với công cuộc giảm nghèo bền vững đó là Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Vì vậy, nguồn vốn ủy thác địa phương trong 5 năm đã tăng thêm 11.635 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng. Riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng, gần bằng cả giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW.

Tất cả những nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách trong 17 năm qua. Đặc biệt, Chiến lược phát triển 10 năm của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ còn gần 1 năm nữa kết thúc nhưng đích đến đã trong tầm tay với cả các chỉ tiêu định lượng và định tính như trong việc thực hiện Chiến lược 10 năm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cao hơn cả, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2019 ước khoảng 5,7%, giảm 4,11% so với năm 2016. Đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước xây dựng 4.806 xã (đạt 53,92%) và 111 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 3,92% so với mục tiêu giai đoạn 2010-2020./.

Việt Hải (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-17-nam-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo/627827.vnp