Ngân hàng có thể mất trắng tài sản đảm bảo do rủi ro thanh toán qua L/C

Bản chất thư tín dụng –L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng mua bán giữa các bên. Ngân hàng làm việc với nhau trên cơ sở chứng từ, ít quan tâm đến hàng hóa. Điều này dẫn đến việc ngân hàng có thể chịu rủi ro mất trắng tài sản đảm bảo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong quan hệ thương mại quốc tế, có nhiều phương thức thanh toán khác nhau giữa bên mua (nhà nhập khẩu) và bên bán (nhà xuất khẩu), trong đó phương thức thanh toán theo thư tín dụng chứng từ (L/C) được sử dụng phổ biến và được ưa chuộng.

L/C là hình thức mà ngân hàng thay mặt bên mua cam kết với bên bán (bên cung cấp hàng hóa) trả tiền trong thời gian quy định khi các bên xuất trình chứng từ phù hợp.

Trên thực tế, rủi ro của phương thức thanh toán qua L/C thường nghiêng về bên bán (bên thụ hưởng) vì doanh nghiệp có thể bị từ chối với các lý do như chứng từ không hợp lệ… hoặc các tranh chấp có thể xảy ra khi các bên yêu cầu đòi lại tiền ký quỹ.

Song quá trình tố tụng ghi nhận các vụ án mà ngân hàng – đơn vị phát hành L/C lại là bên hứng chịu tổn thất nặng nề do không kiểm soát chặt chẽ tài sản đảm bảo.

Vụ án Đỗ Minh Thu (cựu phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Khánh An) bị truy tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của một ngân hàng lớn là minh chứng điển hình.

Theo cáo buộc, Đỗ Minh Thu mua lại Công ty Khánh An từ năm 2016 và giao cho em trai là Đỗ Toàn Thắng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, giám đốc công ty từ năm 2016-2018, còn Thu giữ chức phó giám đốc công ty.

Trong thời gian từ tháng 11/2016 – 4/2018, Thu đã chỉ đạo Thắng thực hiện 15 khoản vay với ngân hàng để thanh toán tiền mua hàng hóa. Trong đó, Thu và các đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền hơn 838.000 USD, tương đương hơn 19 tỷ đồng.

Theo đó, vào ngày 11/1/2017, Công ty Khánh An ký hợp đồng với Công ty Win Faith Trading Limited (trụ sở Hồng Kông) để mua tôn mạ màu. Giá trị hợp đồng là hơn 1,5 triệu USD (hơn 35 tỷ đồng). Đảm bảo cho việc mua bán và nhập khẩu lô hàng, ngày 12/1/2017, Công ty Khánh An đã gửi ngân hàng để mở thư tín dụng không hủy ngang (L/C). Công ty Khánh An đã thế chấp tài sản hình thành trong tương lai chính là lô hàng tôn mạ màu trên.

Theo thỏa thuận, Công ty Khánh An có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp và chỉ được xuất kho khi có sự chấp thuận bằng văn bản của ngân hàng. Định kỳ ngày 5 hàng tháng, công ty phải báo cáo chi tiết sản phẩm tô mạ màu xuất kho cho ngân hàng.

Đặc biệt, công ty không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh tài sản đang thế chấp hoặc sử dụng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ khác trừ trường hợp được ngân hàng chấp thuận bằng văn bản.

Ngày 17/1/2017, ngân hàng đồng ý mở L/C trả chậm 180 ngày kể từ ngày vận đơn và ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Khánh An vay tối đa hơn 1,2 triệu USD.

Đến cuối tháng 3/2017, Công ty Khánh An nhập khẩu lô hàng trị giá 838.539,3 USD. Ngân hàng đã giải ngân, thanh toán tiền lô hàng.

Tuy nhiên, khi lô hàng được thông qua, từ tháng 5-8/2017, Thu đã bán hết lô hàng trên mà không thông báo cho ngân hàng. Đến thời hạn cam kết, Công ty Khánh An mới thanh toán một phần tiền lãi, còn dư nơ gốc hơn 19 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Thu thừa nhận có bán lô tôn cuộn mạ màu trên cho các doanh nghiệp và cá nhân. Số tiền chiếm đoạt, Thu sử dụng vào nhiều việc khác nhau. Sau này, khi cán bộ tín dụng yêu cầu, Thu đã bổ sung tài sản đảm bảo là 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không làm thủ tục thế chấp tài sản. Như vậy, khoản vay trở thành không có tài sản đảm bảo.

Cán bộ thẩm định thừa nhận không kiểm tra thực tế trước khi giải ngân và quản lý số hàng trên, không biết Công ty Khánh An bảo quản lô hàng ở đâu sau khi thông quan. Đến cuối năm 2018, ngân hàng mới phát hiện doanh nghiệp đã bán đứt lô hàng trên.

Với vai trò kiểm soát, phê duyệt quá trình ký mở L/C và giải ngân tiền vay, trưởng phòng tín dụng và giám đốc chi nhánh ngân hàng đã không kiểm soát, không yêu cầu cán bộ tín dụng quản lý, giám sát, báo cáo tình trạng hàng hóa. Điều này vi phạm quy trình cho vay, giải ngân, kiểm tra sau vay dẫn đến ngân hàng bị thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.

Dù là bằng nghiệp vụ nào thì bản chất của ngân hàng là cho vay, nên việc kiểm soát tài sản đảm bảo – vốn luôn được coi là “phao cứu sinh” cần và buộc phải được thực hiện đúng quy trình chặt chẽ nhằm giảm thiểu các khoản nợ xấu ngân hàng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-hang-co-the-mat-trang-tai-san-dam-bao-do-rui-ro-thanh-toan-qua-l-c.htm