Ngân hàng đang 'đau đầu' vì thừa tiền
Từ nay đến cuối năm, dự kiến còn khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng cần được giải ngân. Chưa bao giờ ngành ngân hàng lại rơi vào tình trạng dư thừa tiền như hiện tại. Nguyên nhân do sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang khá yếu, vì vậy cần phải có giải pháp hiệu quả.
Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, thống kê đến cuối tháng 8/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Nhu cầu vay giảm, huy động vốn vẫn tăng khiến các ngân hàng thương mại tồn kho một lượng tiền rất lớn.
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Theo Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: "Thừa tiền khó hơn nhiều so với thiếu tiền. Các ngân hàng thương mại nói vui là đang thừa tiền, giống như các doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, ngân hàng cũng đang tồn kho tiền".
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, thế chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thời gian qua cũng không có nhu cầu vay vốn do không có đơn đặt hàng, việc kinh doanh trầm lắng. Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu vay và đủ điều kiện vay thì mức lãi suất hiện tại vẫn còn cao, gây tâm lý e ngại. Dẫn đến câu chuyện ngân hàng huy động được nhiều vốn nhưng lại "ế" tiền, không thể cho vay.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng viện khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam đề xuất: "Doanh nghiệp cần cải thiện được vốn chủ sở hữu, cần phải tăng lên và có giải pháp chính sách dành riêng cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải khác với các khoản vay thông thường để cho các điều kiện vay và các khoản đối ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giảm hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực, vốn điều lệ tốt".
TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nêu ý kiến: "Cần có giải pháp, cách tiếp cận khác thì mới gỡ được vấn đề. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng can đảm, tiếp cận doanh nghiệp không phải theo nghĩa đánh giá triển vọng, khó khăn bằng con số, mà bằng xu hướng, bằng tiềm năng".
Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối năm rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như NHNN đặt ra. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có những chính sách mới, đột phá, hỗ trợ thị trường thì khi đó, tín dụng mới có sự tăng trưởng bứt phá hơn.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-dang-dau-dau-vi-thua-tien-post1045568.vov