Ngân hàng 'đau đầu' vì khó thu hồi nợ xấu

Rủi ro nợ xấu gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán tài sản bảo đảm. Các tài sản liên quan đến vàng, nhà đất dù được nhiều người quan tâm, ngân hàng cũng chủ động hạ giá song vẫn khó bán.

Bất động sản là loại tài sản thế chấp được ngân hàng rao bán nhiều nhất. Ảnh: Quang Vinh.

Bất động sản là loại tài sản thế chấp được ngân hàng rao bán nhiều nhất. Ảnh: Quang Vinh.

Đăng tin nhiều…

Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC) đã thông báo bán đấu giá khoản nợ 2.149,11 chỉ vàng SJC của một khách hàng cá nhân. Đây là toàn bộ khoản nợ tại Agribank chi nhánh TPHCM theo 2 hợp đồng tín dụng từ năm 2004 và năm 2005 giữa Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM (sáp nhập nguyên trạng vào Agribank) và bà D.T.N.

Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 13/7/2023 là 2.149,11 chỉ vàng SJC, tương đương hơn 14,13 tỷ đồng (theo tỷ giá vàng ngày 13/7/2023 là 6,66 triệu đồng/chỉ). Tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ là nhà, đất tại TP Thủ Đức. Agribank AMC đưa ra mức giá khởi điểm đấu giá khoản nợ 9,226 tỷ đồng chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Theo thông báo, khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy” như người tham gia đấu giá đã được xem/giám định. Trong đó, về rủi ro tiềm ẩn, thông báo cho hay, bằng nguồn thông tin không chính thức và chưa thể xác thực, bên có khoản nợ đánh giá khả năng có các rủi ro pháp lý tiềm ẩn liên quan đến khoản nợ đấu giá như: tranh chấp giữa chủ tài sản bảo đảm với các cá nhân, tổ chức khác, các tranh chấp này khả năng đã được tòa án có thẩm quyền thụ lý và đã có kết luận bằng bản án hình sự.

Có thể với những rủi ro này, khoản nợ trên nhiều lần được rao bán nhưng chưa tìm được người mua. Ngân hàng đã phải hạ giá nhiều lần, chẳng hạn vào gần 1 năm trước, giá khởi điểm khoản nợ là 14,13 tỷ đồng, đến cuối tháng 1/2024 thì giảm xuống còn 10,8 tỷ đồng… Trước đó, Agribank cũng rao bán khoản nợ hàng nghìn chỉ vàng cùng các khoản vay tín dụng khác với giá khởi điểm 45 tỷ đồng, giảm một nửa so với giá ban đầu.

Ngoài ra, bất động sản là loại tài sản thế chấp đang được các ngân hàng rao bán nhiều nhất, nhưng qua nhiều lần hạ giá vẫn không bán được. Vừa qua, BIDV chi nhánh Bình Tân thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM với mức giá từ vài tỷ đồng. Trong đó có 2 lô đất tại TPHCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua, không ít lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được rao bán nhiều lần nhưng không có ai “chốt đơn”. Hiện trạng ngân hàng gắn với nợ xấu do bối cảnh kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% so với cuối năm 2023 với 26/28 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng. Đặc biệt, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

…Vẫn khó bán

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, ngân hàng muốn bán tài sản gắn với nợ xấu cũng không đơn giản. Phần lớn các bất động sản phát mại đều có giá trị rất lớn từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng nên tính thanh khoản sẽ không cao. Chưa kể nếu tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng... gắn liền với bất động sản thì qua thời gian sẽ còn bị xuống cấp, khó hấp dẫn người mua.

Thêm nữa, những nguy cơ rủi ro pháp lý cùng các thủ tục xử lý tài sản phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người mua.

Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, nhiều chuyên gia đã từng nhấn mạnh Nghị quyết 42 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Sự ra đời của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD.

Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank đánh giá việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân là phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine và tại Trung Đông) đẩy chi phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ. Qua đó có thể thấy, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng của ngành ngân hàng.

Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau.

Đồng thời, các cơ quan Tòa án, Thi hành án đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD.

H.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngan-hang-dau-dau-vi-kho-thu-hoi-no-xau-10283649.html