Ngân hàng 'đau đầu' vì xử lý nợ xấu gia tăng
Nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy việc mở cửa cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia, tạo thị trường mua bán nợ thực sự nhằm giải quyết căn cơ nợ xấu cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng. Đặc biệt trong bối cảnh các nhà băng càng đẩy mạnh bán các khoản nợ cũ, phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu như hiện nay.
Trong Quý III và IV, các ngân hàng sẽ càng ngấm đòn do ảnh hưởng từ dịch Covid - 19. Đáng chú ý trong hoạt động ngân hàng quý III là nợ xấu nội bảng gia tăng tại hầu hết nhà băng. Đây là điểm các chuyên gia khuyên các ngân hàng cần hết sức chú ý.
Nhà băng “ôm” khối nợ xấu ngày càng lớn
Tại BIDV, nợ xấu tăng hơn 3.029 tỷ đồng, cao hơn 15% so với đầu năm, nâng tổng số lên 22.525 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,74% lên 1,97%. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 75% lên 87,1%, tương đương 19.391 tỷ đồng dự phòng rủi ro.
Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng 2.039 tỷ đồng, cao hơn 34% sau 9 tháng với tổng số 7.884 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,79% lên 1,01%. Ngân hàng này cũng là đơn vị mạnh tay trích lập dự phòng nhất, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 179% lên 215,2%, tương đương 16.962 tỷ đồng dự phòng rủi ro.
Cùng với việc gia tăng nợ xấu, 3 ngân hàng trên cũng cấp tập đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Hàng loạt tài sản thế chấp của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ ôtô, máy móc thiết bị, nhà xưởng, đến các lô bất động sản trị giá từ vài tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng… đã và đang được rao bán.
Chẳng hạn, VietinBank Tây Hồ thông báo bán nợ với tổng giá trị gốc và lãi gần 104 tỷ đồng, gồm 46,8 tỷ đồng nợ gốc và hơn 57 tỷ đồng dư nợ lãi (38 tỷ đồng lãi trong hạn và 19 tỷ đồng lãi quá hạn) cho 2 khoản tài sản đảm bảo là quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Tài sản thứ hai là quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền với đất 18,6 ha quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Tương tự, tại BIDV hàng loạt tài sản đảm bảo là các khoản nợ xấu đang được nhà băng này rao bán gần đây. Đơn cử, BIDV Long Biên Hà Nội thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển bao gồm: tàu Biendong Victory; Trụ sở Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông tại thành phố Hồ Chí Minh và tại Hải Phòng; Chứng thư bảo lãnh số 136/CNT-TCKT...
Khó xử lý nợ vì...Covid - 19
Nói về việc xử lý nợ xấu tại ngân hàng mình, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Vietinbank cho biết, đơn vị đang vận dụng nhiều nhất biện pháp bán nợ ra thị trường để xử lý nợ xấu. Đây là một trong những giải pháp mà trong Nghị quyết 42 có đề ra cho phép bán nợ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị gốc của khoản nợ.
Như vậy, giải pháp đã tạo hành lang pháp lý cho phép các ngân hàng yên tâm trong việc bán nợ một cách công khai và minh bạch. Thị trường chấp nhận giá như thế nào thì khoản nợ sẽ được bán với giá như vậy.
Ngân hàng cũng đã áp dụng khá nhiều biện pháp này và nhiều khoản nợ được xử lý, giúp tiết kiệm khá nhiều nguồn lực của ngân hàng, thời gian và công sức, qua đó cho phép ngân hàng tăng cường nguồn lực để tiếp tục cho vay.
Có thể thấy, hiện nay Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế, số ngân hàng gặp thuận lợi trong việc xử lý nợ là không nhiều, nếu không muốn nói là “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Một nhân viên xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, bằng giờ này các năm trước đang phải căng mình tiến hành xử lý nợ. Khi đó, thị trường tích cực nên mọi việc suôn sẻ, tài sản đảm bảo là ô tô hay nhà ở là những sản phẩm rất “đắt hàng”, nhân viên xử lý nợ quay như chong chóng nhưng vẫn phấn khởi vì việc trôi. Còn năm nay, không dễ gì bán được các món nợ dù giá đã giảm kịch sàn. Người dân thắt chặt chi tiêu để phòng đại dịch Covid-19 còn kéo dài nên hạn chế đầu tư, dẫn tới khó xử lý nợ.
“Do nguồn tài chính của khách hành sụt giảm mạnh vì tác động của bệnh dịch nên công việc bán nợ gặp khó khăn”, nhân viên này chia sẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguy cơ nợ xấu ngổn ngang hậu Covid-19 cũng như về sự phát triển tương lai, dài hạn của chính thị trường đang cần kíp việc sửa đổi, tiến đến hoàn thiện hành lang pháp lý xử nợ xấu, với sự xuất hiện của sàn giao dịch nợ nhằm tăng tính tập trung, công khai, minh bạch, thanh khoản của thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần nâng cấp các câu lạc bộ xử lý nợ (AMC) lên Hiệp hội xử lý nợ xấu Việt Nam để tạo môi trường kết nối, trao đổi thông tin, gia tăng danh mục bán và góp sức cho sự thu hút nhà đầu tư tập trung.