Ngân hàng đồng hành cùng bệnh viện mang đến những dịch vụ tiện ích
Tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục nhanh gọn, minh bạch cho cả bệnh nhân và bệnh viện. Đây đều là những tính năng nổi trội, thẻ khám chữa bệnh trở thành phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều tiện ích cho khách hàng dễ dàng sử dụng.
Tiết kiệm thời gian, tăng tính minh bạch
Nhằm thực hiện mục tiêu của ngành Y tế là đến hết năm 2019 tất cả bệnh viện đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay đã có 30 bệnh viện triển khai thí điểm thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại một số khoa.
Giải pháp này được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng tồn tại bấy lâu nay khi bệnh nhân hay người nhà phải mất rất nhiều thời gian để xếp hàng chờ thanh toán nhanh, đặc biệt là vào những ngày cao điểm thời gian cũng vì thế mà kéo dài hơn. Điều này gây áp lực không chỉ đối với bệnh nhân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ của bệnh viện.
Theo đó, bằng việc sử dụng thẻ khám bệnh, người bệnh không phải xếp hàng chờ thanh toán viện phí, qua đó rút ngắn được quy trình khám chữa bệnh. Bệnh nhân chỉ cần đến quầy tiếp đón bệnh nhân 1 lần duy nhất ban đầu và nạp tiền vào thẻ, sau đó thực hiện toàn bộ quy trình khám bệnh và đăng ký tái khám những lần sau, việc thanh toán được thực hiện online.
Ngoài chức năng thanh toán, thẻ khám bệnh còn lưu trữ toàn bộ thông tin về những lần khám của bệnh nhân tại phần mềm bệnh viện, giúp người bệnh có thể tra cứu thông tin nhanh chóng và chính xác khi tái khám. Nhờ đó, chất lượng phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện cũng sẽ được nâng cao hơn do đã giảm bớt được sự quá tải trong khâu thu viện phí và đăng ký khám. Đồng thời giảm thiểu chi phí, tránh rủi ro trong giao dịch bằng tiền mặt tạo nên phương thức thanh toán mới, an toàn hơn cho bệnh nhân và người nhà khi không sử dụng tiền mặt.
Ngân hàng đồng hành cùng bệnh viện
Đón đầu xu hướng chung, ngay từ năm 2018, Ngân hàng VietinBank Thừa Thiên - Huế đã phối hợp cùng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế triển khai Dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám bệnh tại Bệnh viện.
Theo Ths. Nguyễn Mậu Lợi, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, ngoài những tính năng đã được đề cập, bệnh viện cũng sử dụng thẻ khám bệnh như một chiếc thẻ ghi nợ nội địa để bệnh nhân có thể sử dụng thẻ thực hiện các dịch vụ khác như quẹt POS tại các điểm bán hàng, rút tiền mặt tại cây ATM hoặc quầy giao dịch của VietinBank, chuyển khoản trong hệ thống VietinBank.
Trường hợp bệnh nhân muốn rút toàn bộ tiền còn thừa trong thẻ sau khi khám, VietinBank hỗ trợ cho phép bệnh nhân được rút hết tiền về 0 đồng (hiện quy định thẻ ATM của các ngân hàng yêu cầu khách hàng duy trì số dư tối thiểu từ 50-100 ngàn đồng).
Không chỉ riêng tại Thừa Thiên - Huế, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đã bắt đầu triển khai hình thức tích hợp thẻ khám bệnh thông minh với thẻ liên kết Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) và một số tổ chức khác. Trong thời gian triển khai vừa qua bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Kim Huế (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho biết, những lần từ xã lên bệnh viện tỉnh để khám bệnh trước đây đều nơm nớp lo lắng khi mang nhiều tiền bên mình, nhưng giờ có thẻ nên đã an tâm hơn phần nào, chỉ cần tập trung điều trị bệnh.
Để đạt được những kết quả nêu trên không thể không nhắc đến sự phối hợp đồng bộ và kế hoạch chuẩn bị chặt chẽ giữa hệ thống ngân hàng và bệnh viện.
PGS-TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng 71 ngân hàng thương mại và 31 tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán có thể thanh toán được. Các ngân hàng đến các bệnh viện để khảo sát, từ đó xây dựng kế hoạch, quy trình nghiệp vụ khám chữa bệnh thông thường. Sau đó, các ngân hàng chuẩn bị các phương tiện như POS, QR code… để thanh toán nhanh. Chỉ cần chuẩn bị trong 1 tháng ngân hàng và bệnh viện có thể triển khai thanh toán tại các bệnh viện.
Tuy nhiên, để triển khai dịch vụ này rộng khắp tại các bệnh viện trên cả nước, theo nhiều chuyên gia cũng còn gặp rất nhiều trở ngại. Đầu tiên phải kể đến thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, ứng dụng mobile để thanh toán vẫn chưa thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Ngoài ra, các bệnh viện chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nên tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo lộ trình Bộ Y tế đề ra đến hết ngày 31/12/2019 tất cả các bệnh viện sẽ triển khai thanh toán các dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Đây sẽ là một sức ép không nhỏ cho cả ngân hàng và các bệnh viện để hoàn thành theo đúng mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, ngay từ bây giờ các bệnh viện phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, kết nối với ngân hàng để giúp người dân thuận tiện trong thanh toán và rút tiền.