Ngân hàng đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang đối mặt với những khó khăn trong việc phục hồi và duy trì hoạt động. Trước tình hình đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều gói tín dụng, chương trình, chính sách cho vay, xử lý khoản nợ… nhằm đồng hành, hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Chị Đoàn Thanh Điệp (xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) mong ngân hàng có chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian vay vốn và tiếp tục cho vay bổ sung để phục hồi chăn nuôi.

Chị Đoàn Thanh Điệp (xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) mong ngân hàng có chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian vay vốn và tiếp tục cho vay bổ sung để phục hồi chăn nuôi.

Khó khăn chồng chất

Chúng tôi theo đoàn cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đến thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Đoàn Thanh Điệp, ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên). Chị Điệp chia sẻ: Năm 2022, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trang trại chăn nuôi gà thịt. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán gia cầm lại thấp khiến càng chăn nuôi càng thua lỗ. Trang trại vừa thả gần 10.000 con gà khoảng 1,5 tháng tuổi, mỗi con đạt từ 1kg trở lên. Do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn bộ số gà đã bị chết, tổng thiệt hại lên tới trên 700 triệu đồng. Gia đình mong Ngân hàng có chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian vay vốn và tiếp tục cho vay bổ sung để chúng tôi phục hồi chăn nuôi…

Cũng chịu thiệt hại do bão lũ, toàn bộ xưởng in và xưởng quảng cáo, truyền thông sự kiện với nhiều máy móc, linh kiện, trang thiết bị hiện đại của Công ty TNHH Du lịch và Tổ chức sự kiện Xứ Trà, ở tổ 7, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), bị ngập hoàn toàn.

Chị Lê Thị Oanh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Toàn bộ vốn liếng gần 10 tỷ đồng do 2 vợ chồng vay mượn ngân hàng, người thân để đầu tư các loại máy (như máy in UV, in bạt, in đề can, cắt laze, CNC…) giờ bị hư hỏng, đắp đống một chỗ. Công ty mới thành lập năm 2023, hoạt động chưa được một năm, vốn chưa thu hồi, vẫn nợ ngân hàng. Bây giờ lại bị như thế này thì không biết lấy vốn đâu ra để mà làm.

Sau bão lũ, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh mất trắng tài sản. Gia đình chị Đoàn Thị Liên, ở tổ 1, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), vừa thoát nghèo, nay lại tái nghèo vì mưa lũ. Tất cả tài sản của gia đình cùng đàn lợn hơn 10 con nuôi gần 1 năm đều trôi theo dòng nước lũ.

Qua tổng hợp sơ bộ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tính đến ngày 18-9 có 7.300 khách hàng, trong đó có trên 7.200 khách hàng cá nhân, bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với dư nợ ước tính trên 3.500 tỷ đồng. Số lượng khách hàng có dư nợ vay ngân hàng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng đang tiếp tục thống kê, cập nhật số liệu...

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Sông Công hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: P.T

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Sông Công hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh: P.T

“Kích hoạt” nhiều chính sách tín dụng

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân đang được cả hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện. Theo đó, nguồn tín dụng ưu đãi được xem như phao cứu sinh giúp người dân, DN phục hồi sản xuất.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Ngân hàng cần trở thành chỗ dựa cho khách hàng, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi.

Chia sẻ với khó khăn của người dân, nhiều ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho cả khách hàng vay cũ và cả vay mới, đồng thời giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn nợ, giúp người vay có thời gian khắc phục hậu quả bão lũ. Một loạt các ngân hàng, như: Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank, Techcombank, MB Bank, Sacombank, TPBank… đều có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2%/năm cho khách hàng hiện hữu và vay mới trong khoảng thời gian từ tháng 9-2024 đến hết năm. Một số ngân hàng còn xây dựng các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp để khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.

Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết: Ngay trong tháng 9, các đơn vị trong hệ thống đã tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị thiệt hại do bão số 3 gây ra đến hết 31/12/2024. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện rà soát, tổng hợp khách hàng bị ảnh hưởng để xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định; xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông Đặng Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Thái Nguyên, cho biết: Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng với từng mức độ từ 0,5-2% và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6-9 đến 31/12/2024 cho khách hàng hiện hữu. Đồng thời, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6-9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.

Đại diện Ngân hàng MB Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: MB triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi tái thiết vùng bão lũ dành cho khách hàng cá nhân năm 2024 quy mô đến 2.000 tỷ đồng. Gói này được áp dụng cho khách hàng cá nhân bị thiệt hại từ bão lũ, có nhu cầu vay vốn để tái thiết lại cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số tiền cho vay tối đa lên đến 10 tỷ đồng, giảm tối đa 1% lãi suất.

Bên cạnh mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, đáng chú ý có một số ngân hàng còn "mạnh tay" giảm 50-100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024. Đơn cử như Ngân hàng SHB sẽ miễn giảm 50% lãi phải trả của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1-9 đến 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế, SHB có thể giảm tới 100% lãi phải trả, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...

Những chính sách đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những khách hàng chịu ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ nhanh chóng hồi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/ngan-hang-dong-hanh-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-4e51826/