Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động
Sang tháng 4/2022, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) vừa công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới, với nhiều kỳ hạn và có mức điều chỉnh cao nhất tới 0,3%/năm. Đây cũng là ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất cao nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 6,5%/năm; kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1% lên 6,6%/năm; kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3% lên 6,8%/năm.
Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Kỳ hạn 12-15 cũng có mức lãi suất 7,2%/năm.
Đối với tiền gửi tại quầy, NamABank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất với mức cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất lên thành 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 3. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng.
Lãi suất kỳ hạn 18 tháng tại VietCapitalBank cũng tăng 0,2%/năm lên 6,9%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên mức 6,6%/năm.
Một số ngân hàng khác như Bắc Á, Phương Đông, Hàng Hải, Đông Nam Á, Quốc tế, Đông Á... cũng tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0,1% đến 0,2% một năm.
Xu hướng nhích tăng lãi suất huy động đã được ghi nhận kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức 5,5-5,6%/năm.
Theo Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần, phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ thêm từ 0,2-0,25% trong nửa cuối năm.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế Công ty Chứng khoán BVSC cũng dự báo,với áp lực gia tăng của lạm phát, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao, chứ khó có thể giảm. Tuy nhiên, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên năm nay vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt cung tiền. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%). Cầu vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện hệ số NIM (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao, nên lãi suất huy động tăng không tác động quá lớn đến lợi nhuận ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng năm nay dự báo tăng mạnh hơn sẽ giúp các nhà băng có thêm lợi nhuận. Vì vậy, lãi suất cho vay cần được kiềm chế để không gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngan-hang-dong-loat-tang-lai-suat-huy-dong-ar670719.html