Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều nhằm phục vụ cho kinh doanh cao điểm cuối năm. Để có nguồn vốn đáp ứng cho các doanh nghiệp, các ngân hàng gia tăng huy động vốn với nhiều giải pháp, trong đó, có giải pháp tăng lãi suất huy động tiền gửi nhằm thu hút người gửi tiền.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều nhằm phục vụ cho kinh doanh cao điểm cuối năm. Để có nguồn vốn đáp ứng cho các doanh nghiệp, các ngân hàng gia tăng huy động vốn với nhiều giải pháp, trong đó, có giải pháp tăng lãi suất huy động tiền gửi nhằm thu hút người gửi tiền.

Người dân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Đà Nẵng.

Người dân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Đà Nẵng.

Cũng như ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, từ đầu tháng 9-2019 đến nay, lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng lên so với trước. Nếu như trước đây, mức lãi suất huy động tiền gửi trên 8%/năm chỉ được một số ngân hàng áp dụng với kỳ hạn dài, thì trong tháng 9-2019 đã trở nên khá phổ biến. Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank)- Chi nhánh Đà Nẵng hiện có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 10,2% năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)- Chi nhánh Đà Nẵng cũng đang áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,9%/năm; lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn với mức cao nhất là 8,2%/năm. Một số ngân hàng khác cũng nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi, như: Ngân hàng TMCP An Bình (Abbank)- Chi nhánh Đà Nẵng; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)…

Chưa kể một số ngân hàng còn “đi đêm” với người gửi tiền tiết kiệm loại có kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng (có mức lãi suất bị khống chế trần ở mức 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bằng cách cộng thêm lãi suất hoặc tặng tiền để lãi suất cộng thêm và số tiền tặng này ngoài sổ tiết kiệm nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, giám đốc một ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng chia sẻ: “Ngân hàng chúng tôi thường xuyên duy trì lãi suất ổn định theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhưng hiện nay, một số ngân hàng đua tăng lãi suất huy động vốn làm cho nhiều khách hàng của chúng tôi so bì, thậm chí có khách hàng còn “dọa” sẽ rút tiền đi gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, buộc chúng tôi phải tăng lãi suất theo”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng đua tăng lãi suất huy động vốn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, gây bất ổn thị trường tiền tệ. Trước thực trạng đua tăng lãi suất huy động vốn nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các tỉnh, thành nói chung, Đà Nẵng nói riêng phải có biện pháp can thiệp duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và tình hình KT-XH tại địa phương… Đặc biệt, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại trên địa bàn vi phạm các quy định của Luật các tổ chức tín dụng nói chung, về lĩnh vực huy động vốn nói riêng.

Tuy nhiên, theo ông Võ Minh, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP gặp phải khó khăn do quy định trừ tiền gửi cho đến 6 tháng hiện nay bị khống chế trần là 5,5%/năm, còn lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với người gửi tiền.

Để ổn định mặt bằng lãi suất nói chung, lãi suất huy động vốn nói riêng trên thị trường TP Đà Nẵng, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đang theo dõi sát tình hình huy động vốn, biến động về lãi suất huy động vốn để có biện pháp can thiệp kịp thời nhắc nhở, đề nghị các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Đối với trường hợp ngân hàng “đi đêm”, tăng lãi suất huy động vốn trái với quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng sẽ xử phạt nghiêm minh.

“Người dân, khách hàng gửi tiền nên chọn các ngân hàng thương mại uy tín, có mức lãi suất hợp lý để gửi tiền, đừng vì cuộc đua tăng lãi suất mà rút tiền đi gửi lòng vòng ở các ngân hàng có lãi suất cao hơn. Qua đó, góp phần cùng với Nhà nước ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường tài chính, ngân hàng trên địa bàn TP”, ông Võ Minh đưa ra lời khuyên.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/96_213170_ngan-hang-dua-nhau-tang-lai-suat-huy-dong-von.aspx