Ngân hàng Eximbank (EIB): Nhiều đối tác lớn muốn hợp tác, mục tiêu lãi tăng 24%
Ngân hàng Eximbank (mã cổ phiếu EIB) cho biết việc khóa 'room ngoại' ở mức 6% là nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư trong bối cảnh nhiều đối tác lớn đang bày tỏ quan tâm hợp tác.
Mục tiêu lãi năm tăng trưởng 24%
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Ngân hàng Eximbank, mã cổ phiếu EIB - sàn HoSE) vừa qua đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội với loạt nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh, ổn định bộ máy lãnh đạo, tỷ lệ chi phối của nhà đầu tư nước ngoài…
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Ngân hàng Eximbank nhận định mặc dù kinh tế thế giới dự kiến sẽ đối mặt nhiều thách thức trong năm nay nhưng Chính phủ Việt Nam duy trì quyết tâm cao và đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% trở lên. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16%; điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt; đảm bảo thanh khoản, an toàn cho hệ thống.
Về chiến lược kinh doanh, ông Nguyễn Cảnh Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank cho biết “Trong năm 2025, định hướng của Eximbank sẽ tập trung xoay quanh việc thực hiện ba mục tiêu lớn là: tăng trưởng, hiệu quả và an toàn”.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng Eximbank.
Cụ thể, về tăng trưởng, Ngân hàng Eximbank sẽ cấp tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các phân khúc khách hàng tiềm năng nhưng an toàn, trên cơ sở tận dụng các thế mạnh của Ngân hàng trong lĩnh vực bán lẻ, xuất nhập khẩu, và tài trợ thương mại. Đối với huy động vốn, Ngân hàng sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để trở thành ngân hàng chính của khách hàng, từ đó thu hút nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là CASA.
Song hành với tăng trưởng tín dụng và kinh doanh, Ngân hàng Eximbank sẽ tập trung nâng cao thu nhập từ lãi và các thu nhập phí, nhất là trong các lĩnh vực mà ngân hàng vốn có thế mạnh, như tài trợ thương mại và doanh nghiệp FDI.
Về hiệu quả, Ngân hàng Eximbank sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, áp dụng AI,… hoàn thiện mô hình bán hàng, cung cấp dịch vụ theo hướng tinh gọn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất, tiết giảm chi phí,
Cuối cùng, về an toàn, Ngân hàng Eximbank sẽ tiếp tục chú trọng quản trị rủi ro theo hướng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, nâng cấp và cải tiến các phương pháp để đảm bảo quản trị rủi ro toàn diện, nhận diện và cảnh báo sớm, qua đó duy trì chất lượng tài sản tốt nhất, tình trạng thanh khoản ổn định nhất, và có bộ đệm vững chắc nhất, ông Nguyễn Cảnh Anh cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank cho biết thêm: “Eximbank ra đời với tên gọi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, nên sứ mệnh của chúng ta gắn liền với lĩnh vực này. Tài trợ thương mại từ trước đến nay luôn là thế mạnh của Eximbank và sẽ tiếp tục như vậy. Minh chứng là dù số lượng khách hàng không tăng nhiều trong những năm qua, nhưng chúng tôi tự hào có tỷ lệ khách hàng gắn bó bền vững từ 15-20 năm, cao nhất thị trường. Đây là nền tảng để phát triển mảng tài trợ thương mại với các đối tác tài chính trong và ngoài nước. Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng quy mô, mà còn tăng thu nhập từ phí dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì chỉ cạnh tranh bằng lãi suất”.
Theo đó, HĐQT Ngân hàng Eximbank trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 5.188 tỷ đồng, tăng gần 24% so với mức thực hiện của năm 2024. Tổng tài sản kỳ vọng tăng 10,7%, đạt 265.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15,5%, đạt 206.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 16,2%, đạt 195.500 tỷ đồng; và tỷ lệ nợ xấu còn 1,99%.
Xử lý dứt điểm các khoản nợ lâu năm, không chia cổ tức năm 2024

Ban lãnh đạo Ngân hàng Eximbank trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.
Một điểm đáng chú ý tại Đại hội là vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết Ngân hàng Eximbank sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm.
“Một điểm thuận lợi là chất lượng tài sản thế chấp của Eximbank rất tốt, tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo lên tới 96% tổng dư nợ. Chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về công ty quản lý nợ (AMC), đồng thời tăng cường kiểm soát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank cho biết.
Đối với việc phân phối lợi nhuận, HĐQT Ngân hàng Eximbank đề xuất cổ đông xem xét việc không chia cổ tức năm 2024 nhằm củng cố năng lực tài chính. Tính đến cuối năm 2024, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Ngân hàng là 2.526 tỷ đồng.
Thông tin thêm với cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Anh cho biết “HĐQT rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông về vấn đề cổ tức. Tuy nhiên, năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức. Đồng thời, Eximbank đang có chiến lược dài hạn nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất theo Basel III. Do đó, việc không chia cổ tức không phải là một yếu tố tiêu cực, mà là một quyết định rất chủ động nhằm tạo lập nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng, sẵn sàng ứng phó với các biến động, cũng như nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể dành thêm nguồn lực để đầu tư vào các chiến lược tương lai”.
Chủ tịch Ngân hàng Eximbank cũng nhấn mạnh với nền tảng tài chính vững chắc, Ngân hàng sẽ phát triển an toàn, bền vững trong giai đoạn tới, giúp gia tăng giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa trên thị trường, đem lại lợi ích cho tất cả cổ đông.
Lãnh đạo Tập đoàn GELEX được đề cử vào HĐQT
Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Đại hội là bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2025 - 2030). Ba ứng viên mới được đề cử trong danh sách HĐQT mới là ông Phạm Tuấn Anh, ông Hoàng Thế Hưng và bà Phạm Thị Huyền Trang.
Trong đó, ông Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1976) hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực GELEX (GELEX Electric) - đơn vị thành viên của Tập đoàn GELEX. Tập đoàn đa ngành này hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 174,6 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn điều lệ của Ngân hàng Eximbank.
Trước một số thắc mắc của cổ đông về sự ổn định của ban lãnh đạo Ngân hàng, - Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, Ngân hàng luôn mong muốn và hướng đến việc ổn định cơ cấu nhân sự cấp cao, sự thay đổi cơ cấu lãnh đạo thời gian qua đến từ các biến động thị trường và một số nhóm cổ đông lớn.
“Chúng tôi mong muốn bước sang nhiệm kỳ VIII với những bước đi vững chắc, đồng thời xuất hiện những đơn vị đồng hành, những cổ đông lớn có tiềm lực. Chúng ta sẽ có một cơ cấu quản trị điều hành vững bền. Eximbank sẽ hướng đến một ngân hàng vững mạnh, phát triển bền vững vì mục tiêu lâu dài”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Cũng theo Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, trong nhiệm kỳ tới, Ngân hàng sẽ thay đổi nhận diện, “làm mới” bản thân trên thị trường nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Về đề xuất của cổ đông về việc gia tăng giá trị vốn hóa lên mức 5 tỷ USD vào năm 2028, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank ông Nguyễn Cảnh Anh ghi nhận đây như một nhiệm vụ mà các cổ đông giao phó và sẽ đưa mục tiêu này vào các chiến lược phát triển, đồng thời làm việc với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.
“Chúng tôi hy vọng lợi ích mang lại cho cổ đông không chỉ đến từ cổ tức, mà còn từ giá trị vốn hóa tăng lên và giá trị cổ phiếu tăng lên”, Chủ tịch Ngân hàng Eximbank nói.
Nhiều đối tác lớn bày tỏ quan tâm hợp tác
Liên quan đến việc hợp tác với các đối tác tiềm năng, ông Nguyễn Hoàng Hải tiết lộ, trong bối cảnh Ngân hàng Eximbank đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đối tác nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác phát triển.
“Chúng tôi đã có những tiếp cận sơ bộ với nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có những tổ chức lớn mang tầm vóc thế giới. Kỳ vọng của họ là mong muốn đồng hành cùng chúng ta dưới vai trò đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn hoặc cổ đông gần lớn”, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích thêm, thông thường, đối tác chiến lược sẽ sở hữu khoảng 15%, cổ đông lớn khoảng 5%, và cổ đông gần lớn khoảng 4%. Tổng cộng các tỷ lệ này, cùng với một số đối tác mà chúng tôi đang bắt đầu tiếp cận, ước tính khoảng 24%.
Theo đó, HĐQT Ngân hàng Eximbank trình cổ đông xem xét việc giới hạn tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng Eximbank ở mức dưới 6% vốn điều lệ nhằm ổn định cơ cấu cổ đông, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của Ngân hàng, và nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư.
Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình của HĐQT Ngân hàng Eximbank đều được thông qua.