Ngân hàng gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng

Các ngân hàng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để triển khai áp dụng xác thực sinh trắc học với một số giao dịch từ ngày 1/7 tới, song hiện tại tốc độ còn chậm.

Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng, đồng thời cũng thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hóa quy trình định danh khách hàng, cũng là cơ hội để ngân hàng làm sạch dữ liệu khách hàng, cập nhật giấy tờ tùy thân của khách hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, đã có nhiều ngân hàng triển khai sớm và nhanh chóng với số lượng khách hàng đã đăng ký nhận diện sinh trắc học chiếm tỷ lệ lớn, như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MSB…

Từ 1/7, nhiều giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học

Từ 1/7, nhiều giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học

Tại Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” mới đây, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng.

Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào ngày 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nêu ra 5 nhóm vấn đề chính gây vướng mắc trong quá trình các TCTD chuẩn bị triển khai Quyết định 2345, bao gồm: giải pháp kỹ thuật, chi phí triển khai, trải nghiệm khách hàng, rủi ro lừa đảo gia tăng, thời gian triển khai.

Theo đó, ngoài đề xuất cơ quan quản lý nên đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với một số trường hợp, ông Trần Công Quỳnh Lân cũng đề xuất cần có ít nhất 2 phương thức xác thực để dự phòng/thay thế khi hệ thống xác thực sinh trắc học gặp sự cố đối với giao dịch loại C và loại D. Đồng thời, cần quy định rõ thời hạn hiệu lực của dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu tái thu thập khi hết hạn.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn về hạn mức và giải pháp xác thực cho giao dịch qua Internet Banking không có thiết bị sinh trắc học…

Về lưu trữ thông tin giao dịch, cần có hướng dẫn chi tiết thông tin cần lưu trữ về thiết bị khách hàng sử dụng để thực hiện giao dịch trực tuyến, thông tin cần lưu trữ trong nhật ký xác thực giao dịch tối thiểu trong 3 tháng. Do hạn chế về bảo mật của trình duyệt website, cũng như hướng dẫn cách lưu trữ thông tin để tuân thủ quyết định 2345…

Đối với cơ quan Vông an, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ kiến nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cần sẵn sàng về hiệu năng. Bởi trung bình mỗi ngày có 6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, như vậy áp lực tải lên C06 là rất lớn khi số lượng khách hàng đã xác thực sinh trắc học chưa cao.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, các TCTD cần kiểm tra, cập nhật, đảm bảo thông tin khách hàng cung cấp để xác thực là chính xác và còn hiệu lực.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh mục tiêu chống lừa đảo, gian lận qua kênh chuyển tiền khi triển khai Quyết định 2345, bởi kênh thanh toán sẽ xác định được điểm đi, điểm đến và dịch vụ cung cấp rõ ràng, còn chuyển tiền thì khó xác định hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-hang-gap-rut-thu-thap-du-lieu-sinh-trac-hoc-cua-khach-hang-post579643.antd