Ngân hàng 'gồng mình' nâng cấp để cạnh tranh
Năm 2022 sẽ bước vào giai đoạn cam go trong cuộc 'so găng' về chất lượng của các ngân hàng, đặc biệt khi Thông tư 23/2021/TT-NHNN về xếp hạng ngân hàng đã có những quy định rõ ràng hơn trong việc đánh giá các ngân hàng. Trong khi đó, việc tái cơ cấu và nâng cấp hệ thống ngân hàng đang được phát đi những tín hiệu tăng tốc hơn từ phía cơ quan quản lý.
Rành mạch hơn trong phân hạng
Thông tư 23/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) đã được định hình các tiêu chí rõ ràng hơn trước, đánh giá chính xác hơn chất lượng của từng ngân hàng. Việc này được kỳ vọng để tạo động lực cho các ngân hàng tự “nâng cấp” mình trong cuộc đua cạnh tranh giữa giai đoạn từ năm 2022 trở đi.
Hiện nay quy mô tổng tài sản của các ngân hàng không đồng đều và có sự chênh lệch
rất lớn về cấp độ.
Theo Thông tư 23, tỷ lệ an toàn vốn là chỉ tiêu được xác định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khái niệm khách hàng có dư nợ tín dụng lớn cũng được định nghĩa rõ, đó là khách hàng (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có dư nợ tín dụng chiếm từ 5% vốn tự có trở lên của ngân hàng. Riêng đối với ngân hàng hợp tác xã, khách hàng có dư nợ tín dụng lớn bao gồm cả quỹ tín dụng nhân dân thành viên.
Ngoài ra, Thông tư 23 cũng đã đưa ra những quy định khá rõ ràng về những khoản nợ xấu “ẩn” và qua đó, đưa các tiêu chí này cũng khá cụ thể trong việc chấm điểm chất lượng ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng công bố trên bảng cân đối kế toán có thể xấp xỉ nhau, cũng không có nghĩa là được đánh đồng “cá mè một lứa” về rủi ro tín dụng.
Cụ thể, khái niệm nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu được định nghĩa trong Thông tư 23 là số dư nợ chưa chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với khái niệm này, ngân hàng có thể thực hiện tái cơ cấu nợ để điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối kế toán, nhưng không điều chỉnh được con số về nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Tương tự, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của Tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý cũng được định nghĩa riêng, đó là các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt và chưa được xử lý, thu hồi.
Đưa một số ngân hàng lên chuẩn Basel III
Việc phân định rõ hơn chất lượng các ngân hàng một phần sẽ giúp các ngân hàng tốt xấu ít bị lẫn lộn với nhau, tăng uy tín và cơ hội cho các ngân hàng tốt xây dựng vị thế và thương hiệu cao hơn. Nói về những yêu cầu đặt ra trong việc phân hạng ngân hàng từ trước khi Thông tư 23 được ban hành, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện nay quy mô tổng tài sản của các ngân hàng không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ. Theo ông Long, để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng tổ chức tín dụng và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, nên phân nhóm các ngân hàng theo các cấp độ chi tiết hơn.
Ngoài những vấn đề pháp lý trong phân hạng, động thái của Ngân hàng Nhà nước cũng đang có những hướng đi để tạo sân chơi cho các ngân hàng “so tài” trong việc cạnh tranh về chất lượng cũng như quy mô.
Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tổng kết lại đề án 1058/QĐ-TTg (về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020). Theo đó, nhiều ngân hàng đã dần nâng cấp chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, thậm chí tiến tới sẽ có những ngân hàng đáp ứng Basel III.
Ngoài ra, thời gian qua các ngân hàng thương mại cổ phần cũng liên tục tăng vốn nhắm đến cả 2 mục tiêu. Việc tăng vốn giúp cho các ngân hàng cải thiện được chỉ số về tỷ lệ an toàn vốn, đồng thời việc này cũng gia tăng quy mô và sức ảnh hưởng của ngân hàng đó trên thị trường tín dụng.
Riêng với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có kế hoạch tăng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối để nâng cao năng lực cho các ngân hàng này tiệm cận tầm vóc với các ngân hàng trong khu vực.
Riêng đối với Agribank, đây là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, đây thuộc dự toán thu, chi ngân sách, nên thẩm quyền tăng vốn cho Agribank sẽ phải do Quốc hội quyết định. Còn lại, các ngân hàng thuộc thẩm quyền Chính phủ nếu dưới 10.000 tỷ đồng thì trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt với các bộ, ngành để tổ chức triển khai việc tăng vốn.
Mục tiêu tiếp tục hướng tới việc ổn định thị trường tiền tệ
Một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành đầu năm 2022 là thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Ổn định thị trường tiền tệ.
Mục tiêu đặt ra là điều hành các giải pháp tín dụng góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động: cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, huy động vốn của doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp.