Ngân hàng hiến kế tăng trưởng, tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 11/2 nhằm tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: 'NHNN tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng; đồng thời tiến tới xóa bỏ dần việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD), nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%'.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo lực, tạo khí thế để Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Đề cập về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD. Đặc biệt, NHNN sẽ kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các TCTD”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Theo NHNN, năm 2024, NHNN tiếp tục chủ động điều hành lãi suất ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhờ đó lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối năm 2023. Thị trường ngoại tệ, tỉ giá ổn định. Thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

NHNN kịp thời chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra, bổ sung thêm cho nền kinh tế 2,2 triệu tỷ đồng (doanh số cho vay 23 triệu tỷ đồng).

“Tích cực tháo gỡ vướng mắc trong hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Một số chương trình tín dụng rất hiệu quả được mở rộng, nâng quy mô; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt sau tác động của cơn bão số 3”, Phó Thống đốc chia sẻ.

NHNN đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các NHTM nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.

Kiến nghị cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, 2025 tiếp tục được dự báo là một năm đầy biến động với sự thay đổi về chính sách, quan hệ thương mại của các nước lớn trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó yếu tố tỷ giá và lãi suất.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% trở lên trong năm 2025, Agribank tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới các khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%).

“Ngoài đối tượng của Agribank là nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ), Agribank sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm về sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt...; các dự án năng lượng tái tạo...”, ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho biết.

Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chương trình tín dụng như: Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; cho vay lĩnh vực lâm thủy sản; Chương trình “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”....

“Tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển, đồng thời tiết giảm chi phí. Agribank đã triển khai sớm 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350.000 tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, ông Phạm Toàn Vượng chia sẻ.

Ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tuy nhiên theo lãnh đạo Agribank, với định hướng tín dụng ngành Ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank tăng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có.

Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025 để Agribank có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 năm 2017, Nghị định 140 năm 2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024 và Nghị định 03 năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) để tháo gỡ các khó khăn cho Agribank có thể sớm cổ phần hóa.

Mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

“Trong bối cảnh chỉ còn 01 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành Ngân hàng cũng như Agribank hiện còn chưa được luật hóa đầy đủ. Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu”, lãnh đạo Agribank kiến nghị.

Ngoài ra nhiều ý kiến cũng cho rằng, để triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội của Chính phủ, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-hang-hien-ke-tang-truong-tien-toi-xoa-bo-han-muc-tin-dung-20250211104408318.htm