Chính sách thuế, cuộc so găng mới của Mỹ
Theo giới phân tích, các nhà sản xuất thép và nhôm Mỹ là những người hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thuế quan mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% lên toàn bộ sản phẩm nhôm và thép vào Mỹ, bao gồm cả các quốc gia trước đây được miễn trừ như Canada và Mexico. Động thái này được cho là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và đưa việc làm trở lại Mỹ, nhưng lại gây ra làn sóng lo ngại trên toàn cầu.
*Kẻ thắng, người thua tại Mỹ
Theo giới phân tích, các nhà sản xuất thép và nhôm Mỹ là những người hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thuế quan mới. Việc hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty nội địa. Cổ phiếu các hãng thép đã tăng mạnh trong phiên giao dịch 10/2. Cổ phiếu của Nucor và Steel Dynamics tăng 5,5% và 4,9%. Cleveland-Cliffs thêm 18%. US Steel lên gần 5%. Cổ phiếu hãng nhôm Alcoa cao hơn 2% sau khi sắc lệnh được công bố.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất thép Mỹ, Philip Bell, khẳng định thuế nhập khẩu sẽ "cào bằng sân chơi" và bác bỏ những chỉ trích cho rằng chính sách này chỉ làm tăng chi phí mà không tạo ra nhiều việc làm. Ông nhấn mạnh rằng mỗi việc làm trong ngành thép sẽ kéo theo nhiều cơ hội việc làm khác trong các ngành liên quan.
Tuy nhiên, người tiêu dùng và các nhà sản xuất sử dụng thép và nhôm tại Mỹ có thể phải đối mặt với tình huống khó khăn hơn. Chẳng hạn thuế 25% áp lên loại thép sử dụng trong ô tô giá 40.000 USD, sẽ làm giá ô tô tăng 1-2%. Trong báo cáo đầu tháng 2/2025, Ngân hàng Bank of America cho biết các kim loại này còn được dùng trong điện thoại di động, gậy bóng chày, nồi, chảo, kính viễn vọng và nhiều đồ nội thất ngoài trời. Thậm chí, vỏ lon soda cũng có thể chịu ảnh hưởng.
Giáo sư kinh tế Douglas Irwin từ trường Cao đẳng Dartmouth, cảnh báo rằng các doanh nghiệp và nhà sản xuất mua thép, nhôm số lượng lớn sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Năm 2018, ông Trump cũng từng áp thuế tương tự và sau đó miễn trừ cho một số đối tác. Một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy chính sách này đã tạo thêm việc làm cho ngành thép, nhưng lại gây thiệt hại lớn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ mua thép, với chi phí ước tính lên tới 650.000 USD cho mỗi việc làm mới được tạo ra.
Lần này, các chuyên gia dự báo chính sách mới sẽ không tạo ra nhiều việc làm như trước, trong khi nguy cơ các nước trả đũa thương mại là rất cao. Các công ty lớn của Mỹ như John Deere, Caterpillar và Boeing, vốn sử dụng nhiều thép và nhôm, có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Glenn Stevens Jr., Giám đốc MichAuto (Michigan), lo ngại rằng các hãng ô tô sẽ khó có thể "hấp thụ" được tác động kép khi thuế nhập khẩu từ cả Canada và Mexico cùng tăng, dẫn đến nguy cơ giảm sản xuất và mất việc làm.
*Hàn Quốc thấp thỏm chờ đợi
Không chỉ Mỹ, ngành công nghiệp thép và các lĩnh vực liên quan của Hàn Quốc đang "nín thở" chuẩn bị cho những tác động tiêu cực có thể xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với tất cả thép và nhôm.
Mặc dù chi tiết cụ thể về phạm vi và cách thức thực hiện các mức thuế này vẫn chưa được tiết lộ, son các chuyên gia dự đoán sẽ có những gián đoạn đáng kể đối với thị trường thép Hàn Quốc và thị trường toàn cầu nói chung.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, với lý do an ninh quốc gia. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc đã đàm phán được một thỏa thuận miễn trừ thuế quan với hạn ngạch xuất khẩu hàng năm là 2,63 triệu tấn thép sang Mỹ, tương đương khoảng 70% mức trung bình của ba năm.
Tuy nhiên, với chính sách thuế mới, ngành thép Hàn Quốc lo ngại kịch bản xấu nhất là hạn ngạch này vẫn được giữ nguyên, đồng thời phải chịu thêm thuế 25%, khiến khả năng cạnh tranh giảm sút nghiêm trọng.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã họp khẩn với các công ty thép lớn như POSCO Holdings và Hyundai Steel để thảo luận các biện pháp ứng phó.
Một quan chức ngành thép Hàn Quốc giấu tên cho biết nếu hạn ngạch vẫn còn và thuế được áp dụng thêm, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành thép nước này.
Các mức thuế mới của Mỹ dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có đối với ngành thép Hàn Quốc, vốn đang phải vật lộn với tình trạng dư cung, đặc biệt là từ Trung Quốc, và nhu cầu toàn cầu giảm.
Nếu các sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc, không thể vào thị trường Mỹ, tràn vào các khu vực khác, chẳng hạn như châu Âu và Đông Nam Á, các nhà sản xuất thép Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn về giá.
Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc, vốn sử dụng nhiều thép và nhôm, cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Tập đoàn Hyundai Motor có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ, và việc nhập khẩu thép từ Hàn Quốc sẽ khiến chi phí tăng lên đáng kể.
Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng như Samsung và LG, vốn có nhà máy tại Mỹ, cũng đang cân nhắc các phương án, bao gồm cả việc tìm kiếm nguồn cung thép sản xuất tại Mỹ.
Ngay cả ngành công nghiệp bán dẫn, dù chưa bị nhắm mục tiêu trực tiếp, cũng đang theo dõi sát sao tình hình. Các công ty Hàn Quốc có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ có thể gặp khó khăn nếu nhu cầu tại thị trường này giảm do thuế.
Canada và Mexico, hai quốc gia cung cấp thép và nhôm lớn cho Mỹ, cũng có thể chịu thiệt hại đáng kể. Thủ hiến tỉnh Quebec (Canada) đã kêu gọi đàm phán lại Hiệp định Mỹ- Mexico- Canada (USMCA) càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Thyssenkrupp (Đức), một trong những hãng thép lớn nhất châu Âu, cho rằng thuế nhập khẩu sẽ có "tác động rất hạn chế" đến hoạt động kinh doanh của họ, do châu Âu vẫn là thị trường chính.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-thue-cuoc-so-gang-moi-cua-my/362818.html