Ngân hàng hỗ trợ 'tận răng' để kéo khách hàng
Để tìm kiếm khách hàng tốt, bên cạnh chính sách lãi suất cho vay ưu đãi, có ngân hàng còn hỗ trợ 'tận răng' để kéo khách hàng từ nhà băng khác.
Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định: Các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này có nghĩa, khách hàng có thể chọn ngân hàng có lãi suất vay thấp hơn hoặc có nhiều chương trình hỗ trợ hơn để vay.
Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Ngân hàng tìm cách tăng trưởng tín dụng
Mới đây, ngân hàng VPBank công bố chính sách cho vay vốn để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 4,6%/năm và ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Đặc biệt, khách hàng không cần chuẩn bị tiền để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ.
Theo đó, các cá nhân đang vay vốn mua bất động sản, mua ô tô, vay kinh doanh thế chấp hoặc vay tiêu dùng thế chấp tại các ngân hàng khác, sử dụng tài sản đảm bảo là bất động sản, nếu có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến chi nhánh VPBank để yêu cầu vay vốn theo gói vay tái tài trợ này.
Về lãi suất, vay để chuyển nợ từ ngân hàng khác sang VPBank chỉ từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng và từ 6,8%/năm cố định trong 12 tháng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, khi có nhu cầu vay vốn để chuyển nợ từ ngân hàng khác về VPBank cũng không bị phát sinh thủ tục phức tạp, mà còn nhận được nhiều quyền lợi gia tăng khác như tăng giá trị khoản vay, hưởng lãi suất ưu đãi, các chương trình khuyến mãi theo từng thời kỳ…
Lãnh đạo VPBank khẳng định: Thủ tục cho gói vay này vô cùng đơn giản, khách hàng không cần chuẩn bị tiền để tất toán khoản vay cũ, chỉ cần cung cấp đủ các hồ sơ vay vốn tại ngân hàng trước đó, VPBank sẽ thẩm định và phê duyệt khoản vay mới bằng giá trị định giá của khoản vay cũ.
Đồng thời, khách hàng cũng có thể dùng chính tài sản đảm bảo là bất động sản đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác làm tài sản thế chấp cho khoản vay mới tại VPBank. Những chính sách ưu đãi này của VPBank đã gỡ bỏ những vướng mắc liên quan đến tất toán khoản vay cũ, giải chấp tài sản đảm bảo… trong quá trình thực hiện cho vay để khách hàng trả nợ ngân hàng khác.
“VPBank hi vọng gói vay này sẽ hỗ trợ khách hàng giảm thiểu áp lực tài chính, dễ dàng tiếp cận khoản vay tại ngân hàng với lãi suất cạnh tranh, ổn định hơn cùng nhiều đặc quyền ưu tiên”, vị đại diện ngân hàng cho biết thêm.
Tương tự, ngân hàng Agribank tích cực hỗ trợ khách hàng trả nợ trước hạn khoản vay cũ phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh, nhu cầu đời sống. Theo đó, ngân hàng này đang tiếp tục duy trì chính sách cho vay vốn với khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn khoản vay tại các ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm.
Theo đó, khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân (nếu có) của khoản vay cũ và phù hợp với quy định của Agribank.
Hiện tại, Agribank áp dụng mức lãi suất cho vay vốn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân chỉ từ 6 %/năm trong 6 tháng đầu hoặc chỉ từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc chỉ từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Còn tại BIDV, lãi suất cho vay để trả nợ trước hạn theo Thông tư 06/2023 chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn….
Tăng trưởng tín dụng phân hóa mạnh
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý 1 năm nay, tín dụng mới chỉ tăng 1,34%, trong khi cùng kỳ năm trước, mức tăng là gần 2,6%.
Còn theo báo cáo tài chính quý 1 của các ngân hàng thương mại cho thấy tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa rõ rệt. Trong đó một số ngân hàng có quy mô lớn thậm chí vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Đơn cử như Vietcombank, ghi nhận tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 3 giảm 0,3% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, nhà băng này được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng là khoảng 16% trong cả năm 2024. Nếu room tín dụng này được sử dụng hết, dư nợ tín dụng của Vietcombank sẽ đạt 1,48 triệu tỉ đồng vào cuối năm.
Thậm chí, tại ngân hàng An Bình, tính đến cuối quý 1 vừa qua, cho vay khách hàng tại nhà băng này ghi nhận mức sụt giảm đến 19% so với cuối năm ngoái. Đồng thời, tiền gửi khách hàng tại An Bình cũng giảm tới 17% so với quý 4-2023…
Ở chiều ngược lại, hai ông lớn khác là BIDV và Vietinbank ghi nhận tín dụng tăng trưởng dương. Trong đó, Vietinbank tính đến cuối tháng 3, tín dụng tăng 3,7%, còn nếu tính đến ngày 27-4 là tăng 4,1% so với cuối năm ngoái. Còn tại BIDV, dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 1% trong quý 1-2024…
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Do vậy, ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã liên tục thiết kế các gói lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
THÙY LINH
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-ho-tro-tan-rang-de-keo-khach-hang-post790640.html