Ngân hàng hỗ trợ thị trường trái phiếu
Nếu ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành cả mới lẫn cũ sẽ tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư 16/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (DN).
Doanh nghiệp, ngân hàng đều có lợi
Dự thảo cho phép ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN phát hành mới với mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc DN sử dụng vốn lưu động.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất tạm ngưng quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu DN phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép do NHNN cấp. Thay vào đó, ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu DN mà ngân hàng đã tất toán trong vòng 12 tháng, thực hiện đến hết năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, quy định ngân hàng mua trái phiếu của DN phát hành với mục đích bổ sung vốn lưu động vừa tạo thuận lợi cho những ngân hàng đầu tư trái phiếu DN vừa phát huy được bản chất tín dụng của trái phiếu là có sự giám sát của ngân hàng. Điều này sẽ thay thế cho việc DN phải có phương án phát hành trái phiếu cụ thể, thường được xác định bằng những dự án đầu tư cố định.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Phòng Tư vấn và Đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công, nhận định một số đề xuất trong dự thảo có nhiều mặt tốt cho DN phát hành trái phiếu. Cụ thể, khi ngân hàng mua trái phiếu để DN bổ sung vốn lưu động đồng nghĩa DN vay được vốn thông qua phát hành trái phiếu mới với thời hạn dưới 12 tháng.
Khi hết thời hạn trái phiếu, DN thanh toán rồi phát hành đợt trái phiếu khác. Như vậy, DN có thể quay vòng vốn, giải quyết được tình trạng mất cân đối dòng tiền trước áp lực trái chủ yêu cầu tất toán trước hạn trái phiếu đã phát hành từ nhiều năm trước. Về phía ngân hàng, khi mua trái phiếu của DN, ngân hàng có thể quản lý dòng tiền, mục đích sử dụng vốn của DN, tránh việc đầu tư vào nhu cầu vốn ẩn chứa rủi ro.
Tác động tích cực đến thị trường
TS Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng (Đại học Rennes - Pháp), bình luận dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 đưa ra những quy định góp phần giúp nhà đầu tư giữ được niềm tin vào trái phiếu DN được ngân hàng tư vấn tham gia. Đồng thời, giúp trái chủ và DN phát hành trái phiếu có thể thống nhất phương án tái cấu trúc nợ thông qua cách thanh toán trái phiếu DN bằng tài sản khác hoặc gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu theo quy định của Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 về cơ bản giúp DN giải quyết được một phần khó khăn khi trái phiếu DN phát hành đến thời điểm đáo hạn. Đáng chú ý, đề xuất cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu DN đã tất toán trong vòng 12 tháng sẽ giúp ngân hàng có thể đầu tư vào trái phiếu nhiều hơn.
Qua đó, DN sẽ có thêm dòng tiền để thanh toán cho những trái chủ kiên quyết thanh toán trái phiếu đến hạn bằng tiền bên cạnh việc có thêm vốn lưu động để sản xuất - kinh doanh. "Tuy việc mua mới và mua lại trái phiếu để DN bổ sung vốn lưu động có khá nhiều rủi ro nhưng nếu ngân hàng chọn lọc và tính toán kỹ lưỡng để đầu tư thì việc này có thể góp phần tác động tích cực đến thị trường trái phiếu DN" - TS Cấn Văn Lực nhận định.
TS LÊ ĐẠT CHÍ, Giám đốc Chương trình Tài chính ứng dụng (Đại học Rennes - Pháp):
Nhiều vấn đề cần xem xét thêm
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 bổ sung quy định ngân hàng thương mại chỉ có thể mua trái phiếu khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của DN chào bán không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu và không được phép mua trái phiếu của DN phát hành cho mục đích góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, hợp tác đầu tư... có ý nghĩa giúp ngân hàng tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay và quản trị rủi ro tín dụng tốt hơn. Tuy nhiên, quy định này có thể khiến ngân hàng quay về làm kênh tài trợ truyền thống và cấp thấp là cho vay đơn thuần.
Phát triển thị trường tài chính là yêu cầu cấp thiết nhưng quy định trong dự thảo siết chặt đối tượng được mua trái phiếu gây khó khăn cho thành viên trên thị trường sử dụng công cụ đầu tư trái phiếu DN. Việc quản lý hệ thống ngân hàng là cần thiết nhưng quản lý quá chặt sẽ không đồng bộ với mục tiêu phát triển thị trường tài chính của Chính phủ.
Dự thảo cho phép mua trái phiếu DN với mục đích bổ sung vốn lưu động nhưng lại quy định việc giám sát mục đích sử dụng vốn. Như vậy, cùng một lô trái phiếu DN được bán cho 2 ngân hàng khác nhau thì ngân hàng thứ 2 làm sao giám sát được mục đích sử dụng vốn của DN phát hành?
Việc dự thảo quy định chi tiết về các nội dung trong quy trình nội bộ giữa ngân hàng với DN phát hành trái phiếu cũng có phần tăng thêm khó khăn cho ngân hàng khi quyết định đầu tư vào trái phiếu. Bởi thực chất của việc ngân hàng mua trái phiếu DN là cho DN vay vốn với điều kiện ít khắt khe hơn so với vay thông thường. Trong khi đó, rủi ro kinh doanh của DN phát hành thì không có một tiêu chí nào định lượng được.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/ngan-hang-ho-tro-thi-truong-trai-phieu-20230329211659195.htm