Ngân hàng khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, nhiều người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, không đáp ứng các điều kiện vay vốn mới... Thống kê cho thấy, dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở khoảng 100.000 tỷ đồng.

Giảm lãi suất cho các khoản vay

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức vào chiều 20-9. Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Trước tình trạng người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3, NHNN Việt Nam ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ, thực hiện miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. NHNN Việt Nam cũng chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh (SXKD) sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành...

 Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank thăm hỏi, động viên khách hàng tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: NGÔ MAI

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank thăm hỏi, động viên khách hàng tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: NGÔ MAI

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, 60/75 chi nhánh Agribank phát sinh thiệt hại, trong đó gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Đối với chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5% đến 2%/năm, miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6-9-2024 đến ngày 31-12-2024. Thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... với lãi suất ưu đãi.

Theo thống kê sơ bộ từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng từ bão số 3 với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng. Để hỗ trợ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, ngân hàng đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6-9-2024 đến ngày 31-12-2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ SXKD với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), nhằm góp phần giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định đời sống và SXKD, SHB triển khai chương trình hỗ trợ giảm bình quân 50% lãi suất khách hàng hiện hữu phải trả từ ngày 1-9-2024 đến ngày 31-12-2024. Đặc biệt, với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, tùy theo mức độ, SHB có thể miễn 100% lãi suất phải trả trong thời gian trên. Ước tính số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng hơn 30 tỷ đồng. Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới, đến hết ngày 31-12-2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục SXKD, thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Ngoài ra, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...

Các ngân hàng thương mại trong hệ thống cũng đang nghiên cứu xem xét các hình thức như: Vay tín chấp, cho vay dựa trên tài sản bảo đảm hình thành từ khoản vay mới... để giúp khách hàng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi hoạt động SXKD.

Cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hiện nay ngành ngân hàng đã làm hết những gì có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động từ bão số 3. Tùy theo mức độ thiệt hại bao nhiêu, từng địa phương có thể xem xét trình Chính phủ hoặc trong điều kiện cho phép cân đối ngân sách địa phương để khoanh nợ đối với từng đối tượng nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, khi cho vay mới mà khách hàng mất hết tài sản rồi có thể xem xét thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc không phải thế chấp. Nếu chỉ mình ngân hàng tham gia thì họ sẽ rất e ngại, do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương.

 Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tới thăm, chia sẻ và động viên một số hộ dân nuôi trồng thủy sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Ảnh: TUẤN KHANH

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tới thăm, chia sẻ và động viên một số hộ dân nuôi trồng thủy sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Ảnh: TUẤN KHANH

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của ngành ngân hàng là toàn ngành thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các ngân hàng thương mại bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng. Mỗi ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên ti vi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh”.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô. Dù ảnh hưởng của bão số 3 sẽ làm giảm tăng trưởng GDP, nhưng ngành ngân hàng sẽ quyết tâm cùng với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ để phấn đấu bảo đảm tăng trưởng tín dụng 15%, bảo đảm nguồn vốn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đã đặt ra. Đồng thời, NHNN Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro. Từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai. Trên cơ sở hướng dẫn, thực hiện ngay miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Linh hoạt trong hoạt động cho vay (cho vay tín chấp) nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn. Đồng thời, quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn...

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ngan-hang-khan-truong-ho-tro-khach-hang-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh-795372