Ngân hàng kiến nghị được bổ sung vốn, tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
![Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51448332/c6c18000b54e5c10055f.jpg)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại ngày 11/2 nhằm tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%.”
Sẽ xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Đề cập về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế, không cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Phó Thống đốc cho biết thêm đơn vị này sẽ tích cực tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Một số chương trình tín dụng rất hiệu quả được mở rộng và nhiều lần được nâng quy mô. Có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt sau tác động bởi cơn bão số 3.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3% đề ra. Các ngân hàng thương mại nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính và kinh doanh có lãi.
Ngân hàng mong muốn được bổ sung, phát triển thị trường vốn
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với các ngân hàng thương mại, ông Phạm Toàn Vượng - thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank cho hay năm 2025, Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng.
![Ông Phạm Toàn Vượng - thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51448332/5dc51f042a4ac3149a5b.jpg)
Ông Phạm Toàn Vượng - thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
"Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Agribank kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025 để Agribank có điều kiện tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án trọng điểm, dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp... hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 2 con số giai đoạn 2026-2030," Tổng giám đốc Agribank đề xuất.
Là ngân hàng duy nhất trong nhóm big 4 chưa cổ phần hóa, Agribank gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, công tác cổ phần hóa của Agribank còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo Agribank cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 năm 2017, Nghị định 140 năm 2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024 và Nghị định 03 năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Agribank có thể sớm tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới.
Bên cạnh kiến nghị tăng vốn, Tổng giám đốc Agribank cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.
Theo lãnh đạo Agribank, dù ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% của Agribank gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank.
Tại Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo - Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra bà Thảo kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Lãnh đạo HDBank cũng đề xuất sự hỗ trợ nhanh, kịp thời từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cấu trúc DongA Bank theo phương án chuyển giao bắt buộc, nhằm sớm phục hồi hoạt động, tăng cường tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân.
![Ngân hàng mong muốn được bổ sung, phát triển thị trường vốn. (Ảnh: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51448332/d7ac986dad23447d1d32.jpg)
Ngân hàng mong muốn được bổ sung, phát triển thị trường vốn. (Ảnh: Vietnam+)
Bà Thảo thông tin thêm, vừa qua đoàn công tác HDBank cùng các đối tác đã gặp Tổng thống Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ. Hiện HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỷ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ và đang thương lượng tăng lên 64 tỷ USD, tạo ra 500.000 việc làm cho người Mỹ. Góp phần thúc đẩy Chương trình Chuyển đối số Quốc gia, lãnh đạo HDBank cho biết đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư AI và Blockchain nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ “Make-in-Vietnam”, sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao.
Dành nhiều thời gian về tham gia các dự án BOT, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết với mong muốn góp phần để đất nước có 3.000 km cao tốc trong năm nay, ngân hàng đã tham gia nhiều dự án như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Gần đây, TPBank đã ký ngay hợp đồng tín dụng 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này.
Trong năm 2024, TPBank đã tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao là 20,25%. Đáng chú ý, TPBank đã giảm lãi suất cho vay với khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Kiến nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, ông Đỗ Minh Phú tin tưởng mức tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 như Ngân hàng Nhà nước đặt ra hoàn toàn khả thi./.