Ngân hàng liên tục rao bán nợ xấu

Nhiều nhà băng liên tục rao bán nợ xấu hàng trăm tỷ đồng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, bất động sản... Chuyên gia cho rằng, nợ xấu tăng và còn nhiều thách thức trong xử lý.

Rao bán nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

Ngân hàng Sacombank vừa thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần địa ốc Vạn Phát tính đến 27/4/2021 là hơn 596 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 188 tỷ đồng, nợ lãi gần 408 tỷ đồng.

Khoản nợ phát sinh theo hợp đồng tín dụng từng lần ngày 23/11/2012 và thỏa thuận sửa đổi, bổ sung ngày 20/11/2013. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phiếu DTR của Công ty CP Bất động sản Đô Thành.

Mặc dù giá trị khoản nợ lên đến gần 600 tỷ đồng nhưng Sacombank cho hay giá khởi điểm của khoản nợ chỉ 189 tỷ đồng. Bên mua được khoản nợ sẽ chịu thanh toán toàn bộ các khoản thuế, chi phí liên quan đến việc mua, bán khoản nợ (nếu có).

Khách hàng có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về hồ sơ pháp lý của khoản nợ, tự tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý, thông tin liên quan đến khoản nợ bán đấu giá trước khi đăng ký tham gia đấu giá.

 Ngân hàng Sacombank liên tiếp rao bán các khoản nợ "khủng".

Ngân hàng Sacombank liên tiếp rao bán các khoản nợ "khủng".

Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Vạn Phát là nhà phân phối bất động sản có tiếng tại khu vực phía Nam.

Ngoài khoản nợ “khủng” trên, Sacombank đang rao bán đấu giá khoản nợ hơn 473 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, theo hợp đồng tín dụng ký từ năm 2010. Giá khởi điểm của khoản nợ trên chỉ hơn 108 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản số 21-23 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TPHCM.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho thuê văn phòng.

Ngân hàng này cũng liên tiếp thông báo đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của các Công ty CP Đầu tư Sài Gòn TPP, Công ty Cổ phần Ngọc Sương... với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Mới đây, Ngân hàng Vietinbank thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ SHC Việt Nam tổng giá trị tạm tính đến ngày 27/8/2024 hơn 75 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc gần 52 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 18 tỷ đồng, lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng.

Dư nợ trên phát sinh từ 32 hợp đồng tín dụng, hợp đồng cho vay với tài sản đảm bảo quyền sử dụng đất, căn hộ chung cư, ô tô, quyền thương hiệu… Giá khởi điểm khoản nợ hơn 54 tỷ đồng chưa bao gồm thuế, phí.

Nợ xấu nguy cơ tăng cao

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết nợ xấu ngân hàng tăng và còn nhiều thách thức trong xử lý.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống (không bao gồm 5 ngân hàng thương mại thuộc diện kiểm soát đặc biệt) cuối năm 2024 ở mức 1,93% tổng dư nợ, tăng so với mức 1,69% cuối năm 2023, trong đó nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) của 27 ngân hàng thương mại niêm yết ở mức hơn 131.000 tỷ đồng cuối năm 2024, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước).

Ông Lực cho rằng, áp lực nợ xấu vẫn ở mức cao, trong khi Thông tư 06/2024, Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại nợ đã hết hiệu lực cuối năm 2024. Bên cạnh đó, với rủi ro thuế quan tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng trong nước, khiến nợ xấu có thể còn tăng, đòi hỏi ngân hàng quan tâm phòng ngừa và xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2024 cho thấy, nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng tại nhiều ngân hàng, trong đó nợ nhóm 5 tăng vọt ở không ít nhà băng lớn.

So với đầu năm 2024, nhiều ngân hàng có số dư nợ xấu tăng. Đó là SHB, PGBank, BVBank, MSB, Eximbank, SeABank và KienlongBank.

Nợ nhóm 5 tại hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh theo báo cáo tài chính quý IV/2024. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 5 tăng cao lần lượt gồm: Saigonbank (72,41%), Bac A Bank (73,4%), ACB (74%), Sacombank (81,36%), KLB (82%)…

Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng 3% trong năm nay. Cụ thể, Bac A Bank (BAB) kỳ vọng duy trì nợ xấu dưới 1,5%, ACB và PGBank (PGB) dưới 2%, VietinBank (CTG) dưới 1,8%, trong khi các ngân hàng như MSB, ABBank, SeABank đều đặt mục tiêu dưới 3%.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn, với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn hệ thống. Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại đến hết năm 2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngan-hang-lien-tuc-rao-ban-no-xau-post1733938.tpo