Ngân hàng lo lắng về hiệu quả xử lý nợ do vướng mắc thi hành án

Các dự báo mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng có thể sẽ xấp xỉ chỉ tiêu đề ra, nhưng bên cạnh tín hiệu đáng mừng thì các ngân hàng vẫn còn lo lắng về các vấn đề xử lý rủi ro tín dụng. Trong đó, một trong những vướng mắc đang tồn tại là hiệu quả trong thi hành án dân sự.

Tính đến hết tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%. Ảnh tư liệu

Tính đến hết tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%. Ảnh tư liệu

Tăng trưởng vẫn có thể đạt hơn 14%

Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15% và NHNN đã giao sớm chỉ tiêu cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm.

Trong khoảng nửa đầu năm 2024, tín dụng nhiều thời điểm tăng trưởng chậm và thậm chí có một số tháng tăng trưởng âm khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%, như vậy sau hơn nửa năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng hơn 40% mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trong đó, một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tốc độ bình quân chung như nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,52%, xây dựng đạt 3,25%, vận tải và viễn thông đạt 3,59%...

Luật hóa một số quy định về nợ xấu

Một trong những điểm mới của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 là đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Mặc dù vậy, các dự báo mới đưa ra cho thấy xu hướng tín dụng có thể sẽ có những tín hiệu lạc quan hơn trong thời gian tới. Kết quả điều tra hoạt động của các Tổ chức tín dụng quý II/2024 do Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN thực hiện dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 13,6%. Tuy nhiên, dự báo quý III/2024 cũng do cơ quan này thực hiện đã nâng lên khả năng có thể đạt tăng trưởng tín dụng 14,1% trong năm 2024. Theo đó, kịch bản tăng trưởng tín dụng diễn ra theo dự báo mới nhất thì kết quả sẽ không thấp hơn quá nhiều so với mục tiêu 15% đề ra.

Các dự báo khả quan hơn về tín dụng dựa trên các tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2024 tăng 11,2%, bảy tháng năm 2024 tăng 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 11,9% và luân chuyển tăng 5,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,5% và luân chuyển tăng 12,4%. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,2% và luân chuyển tăng 10,5%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,3% và luân chuyển tăng 11,3%. Thương mại toàn cầu được cải thiện đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhờ vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%.

Tìm giải pháp tăng hiệu quả xử lý nợ

Trong bối cảnh tín dụng phát đi các tín hiệu tăng trưởng khả quan nhờ nền kinh tế, các ngân hàng cũng đặt mối quan tâm nhiều hơn trong hiệu quả xử lý nợ xấu. Đặc biệt, trong những nội dung các ngân hàng “trăn trở” trong thời gian gần đây là tính thực thi trong thi hành án đối với các vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng. Cụ thể, qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...

Theo ông Long, những vướng mắc, tồn tại gặp phải trong thực tiễn thi hành án đó là vướng mắc bất cập quy định pháp luật; trong thực tiễn thi hành tại các cơ quan thi hành án. Chẳng hạn như chậm kê biên/xử lý tài sản đảm bảo; chậm bàn giao tài sản, chậm chuyển trả tiền xử lý tài sản cho tổ chức tín dụng. Một số vướng mắc khác như chưa thống nhất trong việc xử lý tài sản đảm bảo kê biên có hiện trạng khác so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng…

Đứng trước những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, đối với các vụ việc liên quan tới tín dụng ngân hàng, dù số lượng vụ việc không nhiều trong tổng số các vụ việc chung, tuy nhiên chiếm giá trị khá lớn. Chính vì thế, Tổng cục xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng. Mặc dù việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản, nhưng trong những tháng đầu năm 2024 đã đạt kết quả khả quan cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết cơ quan này đang tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện cơ chế chính sách nói chung, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án Dân sự.

Lấy kiến góp ý Dự thảo Thông tư về mua bán giấy tờ có giá

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Tổng Giám đốc các tổ chức hội viên mời góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2012/TT-NHNN. Đây là văn bản quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước.

Theo Dự thảo thông tư, Ngân hàng Nhà nước đưa đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung để thống nhất với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024, trong đó có quy định công ty tài chính tổng hợp được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; mua, bán giấy tờ có giá khác (điểm b khoản 1 Điều 119), công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành trong nước (điểm c khoản 1 Điều 124). Ban soạn thảo cũng đề xuất bổ sung cụm từ “chứng chỉ tiền gửi” để phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về Điều khoản thi hành. Theo đó, đối với việc mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu đã phát hành chưa đến hạn thanh toán, tổ chức tín dụng thực hiện như đối với chứng chỉ tiền gửi quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Thông tư này cho đến ngày kỳ phiếu, tín phiếu đó đến hạn thanh toán.

Cơ sở đề xuất nội dung trên dựa trên khoản 2, khoản 4 Điều 210 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 có quy định hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận được ký kết trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định của Luật này.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-lo-lang-ve-hieu-qua-xu-ly-no-do-vuong-mac-thi-hanh-an-158137-158137.html