Ngân hàng lo lỗ khi phải 'gồng mình' trả lãi tiền gửi khi không cho vay được

Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn khi không cho vay được nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi. Vậy để tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, các chuyên gia gợi ý nên đẩy mạnh đầu tư công để tạo tổng cầu tăng trưởng hơn và hạ lãi suất cho vay cũng như các gói hỗ trợ vay vốn cho từng đối tượng khách hàng…

Theo số liệu mới cập nhật, tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng gần nửa triệu tỷ đồng so với cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 tăng hơn 4,7%, mới đạt 1/3 kế hoạch năm nay. Có thể nói, ngân hàng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan hay như cầm "hòn than đang cháy" khi huy động vốn lãi cao mà không cho vay được.

Tiền đang đọng ở đâu?

Chia sẻ với Vnbusiness, TS Nguyễn Đức Độ - Viện Phó Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn khi không cho vay được nhưng ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi. Theo đó, các ngân hàng phải liên tục giảm lãi suất huy động thời gian qua bởi sức ép phải giảm lãi suất cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, theo ông Độ, nguyên nhân chính nhu cầu tín dụng thấp còn nằm ở việc cung tiền tăng trưởng chậm, tổng cầu của nền kinh tế yếu, lãi suất thực cao. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6 tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tiền đọng đang ở vốn đầu tư công và ngân sách nhà nước, khiến cung tiền chưa cao trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Vậy nên, dù Ngân hàng Nhà nước quyết liệt giảm 4 lần lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp, không được như kỳ vọng và kế hoạch.

Dù Ngân hàng Nhà nước quyết liệt giảm 4 lần lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp, không được như kỳ vọng.

Dù Ngân hàng Nhà nước quyết liệt giảm 4 lần lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp, không được như kỳ vọng.

“Ngoài ra, trong nền kinh tế khó khăn, khi cả kinh tế đầu tư lẫn tiêu dùng đều sụt giảm, các doanh nghiệp đều không thấy được đầu ra, nên việc vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cũng hạn chế”, ông Việt nhận định.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn đang neo cao bởi quyết định giảm lãi suất điều hành để có thể thẩm thấu vào lãi suất cho vay của khối doanh nghiệp cần có độ trễ nhất định. Theo ông Việt, nguyên nhân là bởi giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khối ngân hàng thương mại đã huy động đầu vào với lãi suất cao.

Đặc biệt là vấn đề liên quan đến trái phiếu và bất động sản. Hiện nay, những thủ tục triển khai các dự án mới về bất động sản và năng lượng đang có nhiều vướng mắc, dẫn đến chất lượng tài sản liên quan đến các khoản vay và trái phiếu của các chủ đầu tư bị giảm sút.

“Vì vậy điều kiện để họ tiếp tục nhận các khoản vay mới là rất khó mặc dù ngân hàng có thể rất muốn giải ngân để hỗ trợ cho nhóm này, nhưng họ lại chưa thể đáp ứng được những quy tắc về an toàn vốn và an toàn kinh doanh của các ngân hàng thương mại”, vị chuyên gia phân tích.

Một nguyên nhân nữa rất quan trọng ông Việt đưa ra là việc đầu tư công chưa được giải ngân đúng theo tiến độ, dẫn đến tắc nghẽn hàng triệu tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, kho bạc.

Tháo dần những nút thắt tín dụng

Những nút thắt trên cần được tháo gỡ dần. “Hiện tại, chúng ta đang tháo dần nút thắt về lãi suất và tiếp tục không thắt chặt đảo nợ, giãn hoãn các khoản nợ trong khối bất động sản và trái phiếu. Còn trong khối sản xuất, kinh doanh, cần rà soát đánh giá lại những khoản hỗ trợ để kích hoạt giảm lãi suất, từ đó, kích hoạt sự tự tin của doanh nghiệp trở lại vay vốn, nhất là những doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phải chăng”, Phó Viện trưởng Viện VEPR đề xuất.

Về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa đạt được mục tiêu, có thể hoán đổi sang nhiệm vụ hoặc mục tiêu mới để kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống trong năm 2024. Theo đó, TS Nguyễn Đức Độ cũng gợi ý phương án đẩy mạnh đầu tư công để tạo tổng cầu tăng trưởng hơn và hạ lãi suất.

Trong khi đó, về ý kiến nới lỏng điều kiện cho vay, TS Việt nhận định, Thông tư 02 về cho phép giữ nguyên nhóm nợ xấu là động thái nới lỏng điều kiện cho vay của các ngân hàng. “So với ý kiến tiếp tục nới điều kiện cho vay, tôi cho rằng quan trọng chúng ta cần khoanh vùng được những nhóm đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ, đặc thù dành cho khối sản xuất, phục vụ cho xuất khẩu…”, ông nói.

Ngoài ra, ông Việt cho rằng, hiện tại, có rất nhiều hộ kinh doanh tham gia chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu hoặc trực tiếp làm những mặt hàng xuất khẩu. Họ là nền tảng tạo ra những hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho tiêu dùng trong nước.

Nhóm hộ kinh doanh hiện có khoảng 5 triệu đơn vị, trong khi đó chỉ có hơn 700 - 800 nghìn doanh nghiệp trực tiếp còn hoạt động. Điều đó cho thấy, tỷ trọng các hộ kinh doanh và doanh nghiệp có chênh rất lớn và nhu cầu vay vốn của họ theo đó cũng nhiều.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay phù hợp của nhóm này lại hạn chế (thông qua kênh tín chấp của các hiệp hội với số lượng rất nhỏ, chỉ từ 10 triệu). Trong bối cảnh hiện nay, khi các hộ kinh doanh cần tái cơ cấu lại công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, xuất khẩu, các hộ kinh doanh cần nguồn vốn từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.

“Song, hiện nay chưa có một gói hỗ trợ nào dành riêng cho các hộ kinh doanh, tôi thấy nhóm này cần có những chương trình hỗ trợ riêng với sự tham gia của chính quyền địa phương cho đến các hiệp hội để tín chấp cùng phối hợp hỗ trợ các hộ này vay vốn”, TS Việt đề xuất.

Còn đối với việc vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Việt cho rằng nên rà soát chính sách hỗ trợ để tích hợp các chính sách này từ những ngành nghề khác nhau thành một gói tổng thể, tránh nhầm lẫn, chồng chéo. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa tránh việc không hiệu quả khi phân tán nguồn lực này.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-lo-lo-khi-phai-apos-gong-minh-apos-tra-lai-tien-gui-khi-khong-cho-vay-duoc-1093891.html