Ngân hàng lớn bắt tay, ngân hàng nhỏ lép vế?

Việc tạo đồng thuận trong khối các ngân hàng lớn (G12) sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều hành chính sách của NHNN được thông suốt.

(VTC News) – Việc tạo đồng thuận trong khối các ngân hàng lớn (G12) sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thông suốt. Tuy nhiên, việc này có hay không sẽ vô hình tạo ra sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc trong chính hệ thống ngân hàng?

Đòn đau, nhớ lâu

Sau Chỉ thị 02/CT-NHNN, Thông tư 30 của NHNN đã chặn mọi ngõ ngách lách trần lãi suất của các ngân hàng. Đặc biệt, mới đây nhất, việc điều tra và kỷ luật thích đáng các cá nhân và tập thể vi phạm vụ “xé rào” nghiêm trọng tại HDBank là hồi chuông có thể khiến bất cứ ngân hàng nào đang có ý định làm nhốn nháo thị trường tiền tệ rùng mình. Vụ án này còn có khả năng bị xử lý hình sự.

Như vậy, những “cây gậy” của NHNN đã thôi “giơ cao đánh khẽ” như thời gian trước đây. Việc kỷ luật, cắt chức, cấm mở mới chi nhánh, phòng giao dịch trong vòng 1 năm… các tổ chức vi phạm là những “đòn đau” khiến bất cứ ngân hàng nào phạm phải cũng phải ngấm.

Hậu quả của những “đòn đau” này còn là sự sụt giảm vốn huy động tại một số ngân hàng nhỏ khi lợi thế cạnh tranh lãi suất không còn, là những hành động được dư luận đánh giá là “không đẹp” trong ứng xử giữa chính các nhà băng với nhau.

(Ảnh minh họa internet)

Thế nhưng, theo ông Cao Sĩ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, không có chính sách nào vừa lòng tất cả mọi người được. Nhưng nếu chính sách đó vì quyền lợi lâu dài của nền kinh tế, của số đông thì đương nhiên đau cũng phải làm.

“Thuốc phải mạnh, đúng và trúng mới mong chữa dứt những căn bệnh “kinh niên”, những tiền lệ đã duy trì một thời gian dài trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng lớn có đội ngũ nhân viên lành nghề, công nghệ tốt, chi phí thấp, mạng lưới rộng… hơn các ngân hàng nhỏ. Bởi vậy, họ hấp dẫn hơn trong hút vốn từ khu vực dân cư. Đó là quy luật cạnh tranh bình đẳng. Cái gì đúng, cái gì theo nguyên tắc thì phái làm thôi.

Ngân hàng nhỏ muốn “bằng chị bằng em” không còn cách nào khác ngoài việc phải tự nỗ lực vươn lên. Mục tiêu của các chính sách điều hành là làm cho hệ thống ngân hàng mạnh lên, chứ không phải vì một vài anh yếu mà kéo cả hệ thống đi xuống. Bơm thuốc cho ngân hàng sắp chết là không được”.

Tuy nhiên, theo ông Kiêm, về lâu dài, NHNN cần lên kế hoạch khảo sát, kiểm tra để biết “sức khỏe” của từng ngân hàng và có biện pháp hỗ trợ, xử lý phù hợp.

G12 – sáng kiến hay tối kiến?

Nằm trong những nỗ lực chấn chỉnh hệ thống ngân hàng của NHNN là sáng kiến thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn (G12) với mục đích tham mưu cho NHNN trước khi cơ quan này quyết định những chính sách lớn. Sự “ngồi lại” của 12 “đại gia” ngân hàng cũng khiến thị trường hy vọng về những sự đồng thuận có thể đủ sức bình ổn, “trấn áp” thị trường.

Và thực tế, sau cái bắt tay quyết tâm thực hiện trần lãi suất cộng với cơ chế khuyến khích các ngân hàng giám sát lẫn nhau của không chỉ một, hai ngân hàng mà của cả 12 ông lớn, kỷ luật đã bước đầu được thiết lập lại trên thị trường tiền tệ.

Ông Cao Sỹ Kiêm đánh giá cao sáng kiến thành lập nhóm G12 này. Theo ông Kiêm, đây là một động tác thăm dò trước khi NHNN quyết định chính sách lớn. Hiện tại, trong lúc khó khăn này, NHNN đang muốn tạo nên một sự đồng thuận, một tiếng nói chung trong hệ thống ngân hàng.

Mục tiêu là vậy, tuy nhiên, tác dụng của sáng kiến này đến đâu và có thành công trong lâu dài hay không thì còn phải chờ thời gian mới biết được. Bên cạnh đó, việc các đại gia hợp lực cùng NHNN cũng khiến nhiều lo ngại về việc tồn tại của khối ngân hàng mới và nhỏ.

Liệu những cái bắt tay của G12 có khiến cho sự phân hóa giàu nghèo trong chính hệ thống ngân hàng ngày càng sâu sắc? Liệu có diễn ra tình trạng ngân hàng mạnh càng mạnh, ngân hàng yếu càng yếu hay không khi mà tiếng nói của ngân hàng nhỏ vốn đã bé giờ lại càng yếu và xa hơn?

Bởi vậy, để G12 là một “sáng” kiến chứ không phải “tối” kiến, theo nhiều chuyên, gia kinh tế, vai trò cuối cùng vẫn ở NHNN. Nếu NHNN chỉ đạo không thông, nếu để cái xấu lấn át cái tốt, rất có thể sẽ diễn ra tình trạng ngân hàng nhỏ ngày càng bị cô lập.

“Trước khi đưa ra các chính sách, NHNN nên tham khảo cả khối ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Ngân hàng nhỏ có những đặc điểm riêng nên cũng phải có cách triển khai phù hợp với toàn hệ thống chứ không thể vì một bộ phận ông lớn hay ông nhỏ", ông Kiêm đề xuất giải pháp.

Có chung quan điểm với ông Cao Sỹ Kiêm, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, đây chỉ là một giải pháp tình thế để nhằm có sự đồng thuận lớn nhằm triển khai biện pháp thắt chặt lãi suất 14% và giải quyết các vấn đề khác.

Ông Dương lý giải, trong bối cảnh khủng hoảng, nhưng thực tiễn lại đặt ra yêu cầu cần phải kiềm chế lạm phát, vì vậy biện pháp hành chính có tác dụng trong ngắn hạn được đưa ra. Muốn thực thi được biện pháp này cần tới sự đồng thuận, Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành còn các ngân hàng thuộc nhóm G12 sẽ cùng các ngân hàng khác thực hiện.

Ông Dương cũng thừa nhận, việc áp dụng nhóm G12 này có thể khiến các ngân hàng nhỏ bị lép vế. Tuy nhiên, ông Dương nhìn nhận hai mặt của vấn đề này: "Tôi đánh giá cao việc thành lập G12 này, bởi quan trọng là có biện pháp để giải quyết các vấn đề đã, biện pháp đó phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đây là biện pháp tình thế, cực chẳng đã mới phải thực hiện, về lâu dài phải có biện pháp khác".

Tin liên quan

» Ngân hàng nào đang khuyến mại “khủng” nhất?
» Lãi suất ngân hàng tiếp tục "cắt cổ" doanh nghiệp
» Trần lãi suất ngân hàng lớn có thể giảm còn 13,5%/năm
» Thắt chặt lãi suất, ngân hàng nhỏ có bị “bóp” chết?
» Đã đến thời sáp nhập ngân hàng
» Thêm một ngân hàng "dính bẫy" lãi suất?
» Hạ lãi suất, ngân hàng biết chiều khách sẽ 'hút' tiền
» Các ‘đại gia’ ngân hàng bị nghi ngờ ‘đâm lén' nhau
» Thêm một ngân hàng vi phạm mức lãi suất trần
» Huy động tiền gửi: Thêm 1 ngân hàng được minh oan
» Các ngân hàng lần lượt giảm lãi suất cho vay
» Nhiều ngân hàng lách trần lãi suất, nguy cơ bị 'trảm'
» Trần lãi suất được các ngân hàng nghiêm túc thực hiện
» Lãi suất trần 14%/năm, người dân có gửi tiền ngân hàng?

Hà Lâm - Gia Bảo

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-305767/kinh-te/dai-gia-nh-hop-luc-co-khoet-sau-phan-hoa-giau-ngheo.htm