Ngân hàng mở rộng hệ sinh thái tài chính
Ngày càng nhiều ngân hàng thành lập và sở hữu các công ty bảo hiểm, qua đó tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu để các ngân hàng mở rộng hệ sinh thái, trở thành các tập đoàn tài chính theo mô hình ngân hàng mở tích hợp.
Cuối tháng 3 vừa qua, Techcombank đã thông qua hai nghị quyết quan trọng, chốt các phương án đầu tư góp vốn mua cổ phần chi phối một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đồng thời thành lập một công ty bảo hiểm nhân thọ với tư cách công ty con trực thuộc.
Cụ thể, theo các nghị quyết kể trên, Techcombank quyết định mua lại 57% vốn cổ phần của NewCo tại CTCP Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) để chính thức biến công ty bảo hiểm này thành công ty con của mình với tỷ lệ vốn góp 68%. Song song đó, ngân hàng cũng sẽ chi 1.040 tỷ đồng để góp 80% vốn, thành lập CTCP Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, hiện nay, ngoài vốn góp của Techcombank, 20% vốn còn lại của TCLife đang được sở hữu bởi các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup. Như vậy, với việc cùng lúc sở hữu hai công ty bảo hiểm, Techcombank nối tiếp các ngân hàng khác như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank… đã tham gia sâu hơn vào lĩnh vực bảo hiểm để mở rộng hệ sinh thái và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là một diễn biến tích cực đối với thị trường bảo hiểm. Bởi ngoài vốn góp chi phối của các nhà băng, hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngân hàng như: MIC, BIC, VBI, OPES… đều có sự góp vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn và các định chế tài chính quốc tế có nhiều kinh nghiệm, có hệ sinh thái khách hàng đa dạng và trải rộng.

Các ngân hàng đã tham gia sâu hơn vào lĩnh vực bảo hiểm để mở rộng hệ sinh thái và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính
Liên tiếp trong các năm gần đây, với sự hợp tác và tận dụng hệ sinh thái từ các cổ đông lớn như PYN Elite Fund, FairFax Asia, Hyundai Marine & Fire Insurance… các công ty bảo hiểm MIC, BIC, VBI đều “ăn nên làm ra”, đóng góp đáng kể cho doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng mẹ, đồng thời cạnh tranh được với các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài đang giữ thị phần chi phối ở thị trường trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, ngân hàng tham gia thành lập các công ty bảo hiểm có thể xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tối ưu hóa hệ sinh thái tài chính. Khi sở hữu các công ty bảo hiểm, các ngân hàng cũng có thể đẩy nhanh hơn quá trình số hóa trong tư vấn khách hàng và dịch vụ hậu mãi, từ đó phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính - tín dụng tiêu dùng tích hợp, phù hợp với nhu cầu và lựa chọn của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, các ngân hàng mở rộng kinh doanh bằng chiến lược đầu tư xây dựng các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán trực thuộc cho thấy “cuộc đua” trở thành các tập đoàn tài chính đa ngành của các ngân hàng đang khá sôi động. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một diễn biến tất yếu để cạnh tranh và phát triển.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, xu hướng tạo lập các mô hình ngân hàng mở (Open Banking) với trung tâm là ngân hàng thương mại và hệ sinh thái các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan “vây quanh” đang là xu hướng chính ở nhiều nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, đa số các ngân hàng lựa chọn phát triển ngân hàng mở theo hướng tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba vào hệ sinh thái bên cạnh sản phẩm dịch vụ tín dụng cốt lõi, do khung pháp lý về ngân hàng mở và các quy định liên quan đến hoạt động của mô hình tập đoàn tài chính chưa được hoàn thiện. Trong tương lai, khi các pháp lý này được cởi mở hơn thì cơ hội chuyển dịch quy mô, tái định vị kênh phân phối và hoàn thiện hệ sinh thái số trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam sẽ rất lớn và cạnh tranh. Các ngân hàng có thể xây dựng ngân hàng mở theo mô hình tích hợp. Theo đó, ngân hàng nằm ở trung tâm làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tùy theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-mo-rong-he-sinh-thai-tai-chinh-162095.html