'Ngân hàng MSB là bị hại, phải có trách nhiệm bồi thường khách hàng'
Liên quan vụ khách hàng mất hơn 300 tỷ đồng khi gửi tiền tại ngân hàng MSB, luật sư Hoàng Đàm cho rằng, bà L. và bà O. gửi tiền vào ngân hàng, tiền biến mất thì MSB phải có trách nhiệm đền bù.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Đàm - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hoàng Đàm và Toàn Cầu (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - nhận định, trong vụ Giám đốc MSB chi nhánh Thanh Xuân - Bùi Thị Hoài Anh - bị bắt giam, cần xác định bị hại là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - MSB. Trách nhiệm bồi thường số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng và bị mất là của MSB.
Cần xác định rõ bị hại trong vụ án
Luật sư Đàm phân tích, bà L. và O. (đều ở Hà Nội) ký hợp đồng mở tài khoản thanh toán, được Ngân hàng MSB cấp mã số tài khoản thanh toán. Sau mỗi lần gửi tiền vào tài khoản mang tên mình tại MSB, hai vị khách đều được các cán bộ, lãnh đạo của ngân hàng có thẩm quyền xác nhận thông tin tài khoản, số dư tài khoản, đóng dấu đỏ của ngân hàng. Do vậy, giao dịch gửi và chuyển tiền vào tài khoản mở tại Ngân hàng MSB của 2 khách hàng là giao dịch tiền tệ giữa khách hàng với ngân hàng, không phải giao dịch cá nhân với cá nhân.
Luật sư dẫn chứng quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 6 Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ "chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo trên tài khoản thanh toán của khách hàng do lỗi của mình".
Theo đó, ông Đàm cho rằng, hai khách hàng khiếu nại đòi tiền MSB là đúng. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, khách hàng có thể khởi kiện MSB để đòi quyền lợi chính đáng.
Về trách nhiệm đền bù, luật sư Đàm nêu quan điểm: "Bà L. và bà O. là khách hàng của ngân hàng, gửi tiền vào tài khoản do ngân hàng cấp, 2 khách hàng này không ủy quyền cho ai và không tự mình rút tiền, mà tiền bị biến mất là thuộc trách nhiệm của ngân hàng. Trong vụ việc này, MSB là bị hại, ngân hàng có ban lãnh đạo, ban pháp chế, kiểm soát… cả hệ thống quản lý, giám sát nhưng không quản trị tốt, để cán bộ lấy mất tiền của khách thì phải đền bù, phải có trách nhiệm thanh toán cả gốc và lãi, chứ không phải chờ kết luận của cơ quan pháp luật".
Ông Đàm cũng kiến nghị, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để xác định rõ trách nhiệm trong vụ việc này.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho biết, đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng, việc xác định bị hại có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết phần trách nhiệm dân sự ở vụ án hình sự.
Trường hợp ngân hàng được xác định là bị hại, người phạm tội chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì rủi ro sẽ thuộc về ngân hàng. Ngân hàng có quyền yêu cầu đối tượng đã chiếm đoạt phải trả tiền cho ngân hàng và hoàn trả số tiền này cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp xác định khách hàng, người gửi tiền vào ngân hàng là bị hại, bị cáo phải chấp hành hình phạt tù và không có khả năng hoàn trả tài sản thì rủi ro sẽ thuộc về khách hàng.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty luật TAT Law Firm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) - phân tích dưới góc độ dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng hay tổ chức tín dụng được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản.
Sau khi khách gửi tiền vào ngân hàng, chính ngân hàng trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro. Kể từ khi chuyển giao tiền, người gửi chấm dứt quyền sở hữu, trở thành bên cho vay nên có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.
"Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao thì kèm theo chuyển quyền sở hữu, vậy nên bên bị thiệt hại trong trường hợp này phải là ngân hàng" - luật sư Tú nói.
Văn bản trả lãi bất thường
Liên quan vụ việc, đại diện luật sư của hai khách hàng cung cấp cho PV một giấy xác nhận thông tin/số dư tài khoản của bà L. có dấu hiệu trả lãi suất bất thường, trước khi số dư hơn 58 tỷ “bốc hơi” gần hết.
Theo đó, giấy Xác nhận thông tin/số dư tài khoản tại MSB của bà L., có chữ ký của giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân Bùi Thị Hoài Anh, được đóng dấu đỏ bởi MSB Thanh Xuân.
Giấy xác nhận ghi ngày 7/10/2023 (trước khi bà Hoài Anh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của khách hàng gửi tiền) thể hiện thông tin: Từ ngày 26/9/2023 đến 5/10/2023 bà N.T.L có tổng cộng 12 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản, với số dư lên đến 58,65 tỷ đồng.
Theo văn bản, các giao dịch gửi tiền vào tài khoản của bà L., đều có thời hạn gửi 4 tuần, lãi suất được chi trả là 6%/năm. Đối chiếu cho thấy, mức lãi suất này vượt xa so với mức lãi suất khoảng 3,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được Ngân hàng MSB niêm yết vào tháng 10/2023 - thời điểm MSB Thanh Xuân cấp giấy xác nhận cho khách hàng.
Thậm chí, mức lãi suất 6%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 4 tuần trong các giao dịch của văn bản, cũng vượt xa so với mức lãi suất trần 4,75%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, tại Quyết định 1123/QĐ-NHNN có hiệu lực từ 19/6/2023, Ngân hàng Nhà nước quy định: Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm.
Liên quan việc khách hàng "bốc hơi" hơn 300 tỷ đồng, trong thông báo phát hôm 26/3, MSB cho biết, quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện có dấu hiệu bất thường về việc một số cán bộ, nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB. Vì vậy, ngân hàng đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ.
Trước đó, 2 khách hàng là bà L. và bà O. được cán bộ MSB mời mở tài khoản vào tháng 3/2021. Tài khoản cá nhân được mở nhưng do Ngân hàng MSB quản lý để báo cáo số dư cuối ngày và cuối tháng, phục vụ cho việc tính chỉ số giá chứng khoán của MSB. Khách hàng không được quản lý tài khoản trên app điện thoại, không được cài tin nhắn thông báo số dư tài khoản qua điện thoại.
Bà L. và bà O. đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản. Đầu tháng 10/2023, số dư tài khoản (theo xác nhận của ngân hàng) trong tài khoản của bà L. là 58,65 tỷ đồng (tại ngày 7/10/2023), tài khoản bà O. là 27,7 tỷ đồng (tại ngày 5/10/2023).
Tuy nhiên, cùng trong ngày 12/10/2023, bà L. và bà O. yêu cầu sao kê tài khoản, cả hai phát hiện số tiền trong tài khoản của mình "bốc hơi", chỉ còn dưới 100.000 đồng.
Hai nữ khách hàng đều khẳng định, không có bất kỳ giao dịch rút tiền hay chuyển khoản nào sau thời điểm MSB xác nhận số dư tài khoản vào đầu tháng 10.