Ngân hàng Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ trận khi 1.000 tỷ USD trái phiếu mới được phát hành
Các chuyên gia phân tích đang lo ngại quy mô đợt phát hành trái phiếu Chính phủ Mỹ mới sau cuộc chiến trần nợ sẽ đẩy lợi suất tăng và hút tiền mặt ra khỏi tiền gửi.
Sau khi giải quyết được tranh chấp về trần nợ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tìm cách xây dựng lại số dư ngân sách, do tuần trước đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2017. JPMorgan dự báo, Mỹ sẽ cần vay khoảng 1.100 tỷ USD bằng tín phiếu kho bạc cho tới cuối năm 2023, trong đó số tín phiếu được phát hành ròng trong 4 tháng tới sẽ là 850 tỷ USD.
Mối quan tâm chính của các chuyên gia phân tích là quy mô của đợt phát hành mới này sẽ đẩy lợi tức trái phiếu Chính phủ lên cao, đồng thời hút tiền mặt ra khỏi tiền gửi ngân hàng.
Gennadiy Goldberg, chiến lược gia tại TD Securities, nhận định, mọi người đều biết trái phiếu sắp được phát hành. Lợi suất sẽ lên cao hơn vì đợt phát hành này. Tín phiếu kho bạc sẽ rẻ hơn nữa và điều đó sẽ gây áp lực lên các ngân hàng.
Ông cho rằng, phát hành tín phiếu kho bạc của Mỹ sẽ tăng mạnh nhất lịch sử, nếu không tính trong các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch năm 2020. Các chuyên gia phân tích cho biết, các tín phiếu này sẽ có kỳ hạn từ vài ngày đến một năm.
Gregory Peters, đồng giám đốc đầu tư của PGIM Fixed Income cho biết, lợi suất trái phiếu đã bắt đầu tăng do dự đoán nguồn cung tăng.
Tình hình hiện tại đang làm gia tăng áp lực đối với tiền gửi ngân hàng tại Mỹ. Tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ vốn đã có xu hướng giảm trong năm nay do lãi suất tăng và sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực khiến khách hàng tìm kiếm các giải pháp thay thế có lãi suất cao hơn.
Việc tiền gửi tiếp tục bị rút ra, cùng với đà tăng của lợi suất trái phiếu, có thể kích thích các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao hơn đối với tài khoản tiết kiệm. Tất nhiên, điều này sẽ đặc biệt tốn kém đối với những ngân hàng quy mô nhỏ hơn.
Doug Spratley, Giám đốc bộ phận quản lý tiền mặt tại T Rowe Price cũng có quan điểm đồng tình rằng, việc Bộ Tài chính Mỹ quay trở lại vay nợ có thể khiến những căng thẳng vốn đã có trên hệ thống ngân hàng trở nên trầm trọng hơn.
Cú sốc nguồn cung xảy ra khi Fed giảm nắm giữ trái phiếu, một động thái trái ngược hoàn toàn với thời kỳ trước đó, khi cơ quan này là bên rất mạnh tay mua trong việc mua trái phiếu Chính phủ.
Torsten Slok, kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho biết: "Chúng ta đang thâm hụt ngân sách đáng kể. Chúng ta vẫn thắt chặt định lượng. Nếu phát hành tín phiếu kho bạc ồ ạt, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu chính phủ trong những tháng tới".
Sau vụ phá sản của một số ngân hàng tại Mỹ trong đầu năm nay, các khách hàng của nhiều ngân hàng đã chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ, nơi đầu tư cả vào trái phiếu doanh nghiệp lẫn trái phiếu Chính phủ. Theo dữ liệu từ Investment Company Institute, tiền đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ đạt mức kỷ lục khoảng 5.400 tỷ USD trong tháng 5/2023, tăng từ mức 4.800 tỷ USD vào đầu năm nay.
Các chuyên gia phân tích cho biết, mặc dù quỹ thị trường tiền tệ thường là những người mua trái phiếu Chính phủ rất nhiều, song họ không có khả năng mua hết toàn bộ nguồn cung.
Hiện tại, có khoảng 2.200 tỷ USD mỗi ngày đang được chuyển vào kênh thỏa thuận mua lại đảo ngược (RRP) qua đêm của Fed, mà phần lớn số đó đến từ các quỹ thị trường tiền tệ.
Các chuyên gia phân tích cho biết, lượng tiền mặt đó có thể được tái triển khai để mua tín phiếu kho bạc nếu chúng mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể so với RRP của Fed. Nhưng lãi suất của RRP lại tỷ lệ thuận với lãi suất liên bang. Vì vậy, nếu giới nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, họ có khả năng sẽ giữ tiền mặt của mình tại RRP của Fed, thay vì mua tín phiếu.
Với số liệu việc làm tháng 5 năm nay, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tăng thêm. Nếu đúng như vậy, điều này có thể làm giảm nhu cầu trái phiếu chính phủ Mỹ ở mức lãi suất hiện tại.