Ngân hàng nan giải bài toán cân bằng vốn
Để bù đắp dòng vốn thiếu hụt do cho vay vượt huy động, các ngân hàng thường sử dụng vốn điều lệ. Tuy nhiên, chênh lệch này vẫn đang tạo ra áp lực lên lãi suất, thậm chí tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống.
Huy động ít, cho vay nhiều
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính từ đầu tháng đến ngày 20-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng khoảng 110.000 tỷ đồng trên thị trường mở, xấp xỉ lượng hút ròng 124.000 tỷ đồng trong tháng trước. Điểm đáng lưu ý về hoạt động trên thị trường mở trong tháng qua, chính là số thành viên tham gia/trúng thầu ở kênh cầm cố luôn ở mức cao. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống NH có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.
Trên thị trường liên NH, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong 20 ngày đầu của tháng 11 lên mức 5,17%/năm, cao hơn 1,55% so với mức bình quân của tháng trước. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng từ 1,03-1,45%. Song kỳ hạn 3 tháng chỉ tăng bình quân khoảng 0,85% so với tháng trước. Diễn biến này cho thấy tình trạng khó khăn về thanh khoản của hệ thống diễn ra trong ngắn hạn, do vào mùa cao điểm của tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm.
Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11, nhưng NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn. Vì vậy, lý do thanh khoản hệ thống trở nên “eo hẹp” trong tháng 11, phần nhiều vẫn là do nhu cầu vốn trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 9% của 9 tháng đầu năm, và mức thay đổi theo tháng cũng tốt hơn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhìn ở mặt khác câu chuyện căng thẳng thanh khoản của NH không phải là vấn đề xảy ra đột biến, mà hầu như luôn tồn tại trong hệ thống và càng nóng lên khi tín dụng diễn biến tốt. Một phần nguyên nhân của điều này đến từ sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng liên tục tồn tại trong hệ thống NH.
Xét từ số liệu của các NH, chênh lệch huy động và cho vay cũng hiện lên rõ nét. 29 NH đã công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng đã tăng 7,2%, đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay của 29 NH này đã tăng lên 11,5% sau 9 tháng, đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng. BIDV vẫn là “quán quân” về cho vay khách hàng với quy mô hơn 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm.
Ở chiều huy động, NH này cũng tăng 9,9% trong 9 tháng nhưng tổng vốn huy động được mới ở mức 1,853 triệu tỷ đồng. VietinBank với dư nợ ở mức 1,61 triệu tỷ đồng trong khi số dư tiền gửi ở mức 1,51 triệu tỷ đồng. Hay MB là nhà băng ở nhóm các NH nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm ngoái. Song quy mô cho vay khách hàng tăng đến 14,9%, ở mức 702.020 tỷ đồng. Điều tương tự cũng diễn ra ở đa phần các NH quy mô lớn khác.
Theo quy định hiện hành, các nhà băng phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%, tức là tổng nguồn vốn huy động không thể đem cho vay hết mà phải giữ lại một phần nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động. Với con số huy động và cho vay như vậy, NH sẽ bị thiếu hụt. Theo NHNN, nguồn bù đắp phần thiếu hụt do huy động thấp hơn tín dụng được sử dụng từ vốn điều lệ của các NH.
Nhiều hệ lụy
Chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuất hiện nhiều năm qua và đang có dấu hiệu nóng lên, bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục được các NH điều chỉnh tăng. Theo các chuyên gia, huy động năm 2024 tăng thấp do người dân có xu hướng rút tiền đi mua vàng, bất động sản hay kênh đầu tư khác có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp. Đặc biệt nhóm Big4 áp dụng lãi suất thấp gây hiệu ứng rất lớn đối với nhu cầu tiền gửi.
Hệ quả của việc chênh lệch giữa huy động và tín dụng giãn rộng là các NH phải tiếp tục tăng lãi suất suất huy động. Hiện một số nhà băng niêm yết ở mức rất cao, lên đến 7-9,5%/năm, nhưng để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt như số dư tiền gửi từ 500-2.000 tỷ đồng.
Còn trên mặt bằng chung vào cuối tháng 11, đã có đến 13 NH áp dụng lãi suất từ 6-6,4%/năm không kèm điều kiện đặc biệt. Ngoài ra, một số nhà băng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 7,1%/năm với nhiều điều kiện thuận lợi cho người mua để thu hút vốn đầu vào.
Dù vậy, việc duy trì mặt bằng lãi suất có vẻ đang nằm trong thế khó. Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, NHNN tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% cho năm nay. Nhưng hiện nay, cung tiền chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền, lãi suất sẽ có xu hướng nhích tăng thêm thay vì giảm đi. Ông Thành cũng cảnh báo, mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể vượt nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Điều này có thể dẫn đến rủi ro về lãi suất và nợ xấu.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cũng nhận định, việc giảm lãi suất trong thời gian tới khó khả thi do NH cần vốn để kinh doanh. Nhất là vào dịp cuối năm, các NH cần phải có lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Bên cạnh đó, việc nguồn vốn huy động thiếu hụt nhưng các NH vẫn mạnh tay cho vay cũng đang được cảnh báo về một hệ lụy tiềm ẩn khác.
Cụ thể là theo thông lệ quốc tế, các NH cho vay trung và dài hạn bằng nguồn vốn huy động trung và dài hạn. Tuy nhiên, các NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng lại chuộng cho vay trung và dài hạn vì lợi nhuận cao hơn.
Ghi nhận từ 29 NH có báo cáo tài chính quý III, tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn 9 tháng đã tăng thêm 10% so với thời điểm cuối năm 2023, tương ứng tăng thêm 434.565 tỷ đồng. Theo đó, tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn của 29 NH này đã đạt trên 4,9 triệu tỷ đồng.
Và để “cơn khát” vốn, giảm nỗi lo về những rủi ro, NH ngày càng lấn sâu sang sân chơi trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ mang tính “chắp vá” trong bối cảnh ngành NH buộc phải gánh vác gần như toàn bộ vai trò cung ứng vốn.
Để tránh hệ lụy, cần trả vai trò cung ứng huy động vốn trung, dài hạn cho thị trường vốn. Còn nếu vẫn để NH đảm đương vai trò cung ứng vốn ngắn hạn lẫn trung và dài hạn trong bối cảnh chênh lệch huy động và cho vay vẫn mở rộng, thì sẽ không thể nói đến chuyện chấm dứt rủi ro về thanh khoản.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ngan-hang-nan-giai-bai-toan-can-bang-von-post118751.html