Ngân hàng 'ngấm đòn' do tăng chi trả lãi tiền gửi dù cho vay khó

Lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng lớn khi không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi suất lớn cho người gửi. 9 tháng đầu năm 2023, 27 ngân hàng niêm yết đã trả lãi cho người gửi tiền 398.723 tỷ đồng, tăng mạnh 79% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với gần 5% tổng lượng vốn huy động của các ngân hàng này.

Đáng chú ý, mức tăng của chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng trong 9 tháng năm 2023 đều ở mức trên 50%, cá biệt có một số ngân hàng còn ghi nhận chi phí này tăng gấp 2 lần.

Mức tăng của chi phí trả lãi của mỗi ngân hàng trong 9 tháng năm 2023 đều trên 50%, cá biệt có ngân hàng còn ghi nhận chi phí này tăng gấp 2 lần.

Mức tăng của chi phí trả lãi của mỗi ngân hàng trong 9 tháng năm 2023 đều trên 50%, cá biệt có ngân hàng còn ghi nhận chi phí này tăng gấp 2 lần.

Cụ thể, BIDV đã chi hơn 63.000 tỷ đồng để trả lãi cho khách gửi tiền, tăng 61% so với 9 tháng đầu năm ngoái. VietinBank đứng thứ hai với 53.000 tỷ đồng, tăng 58%; Vietcombank chi 40.565 tỷ đồng, tăng mạnh 76%; SHB chi 26.754 tỷ đồng, tăng 73%; Sacombank chi 23.855 tỷ đồng, tăng mạnh 92%.

Chi phí trả lãi huy động của VPBank cũng tăng “khủng”, đạt tới 112%, với số tiền 19.500 tỷ đồng.

ACB cũng đã chi tới 19.000 tỷ đồng cho việc trả lãi huy động, tăng 83% so với cùng kỳ; HDBank chi 17.500 tỷ đồng, tăng 118%.

Mức tăng trưởng của chi lãi huy động tại MB và Techcombank lên tới 128% và 151%, lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 14.500 tỷ đồng. Thậm chí, mức tăng tại MSB lên đến 159% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Một số nhà băng khác có mức chi cho việc trả lãi huy động tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái là: ABBank (100%), TPBank (109%), KienLongBank (113%).

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng lợi nhuận của ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn khi không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi.

Thời gian qua, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động bởi sức ép phải giảm lãi suất cho vay để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng.

Hiện tại, đầu ra tín dụng của nhiều ngân hàng gặp khó khi hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại, kênh trái phiếu và bất động sản "đóng băng". Điều này khiến nguồn thu từ tín dụng không tăng kịp theo chi phí, khiến thu nhập từ tín dụng tăng thấp hoặc sụt giảm.

Nhóm ngân hàng top dưới hoặc phụ thuộc nhiều vào trái phiếu, bất động sản, cho vay tiêu dùng càng chịu bất lợi hơn khi tệp khách hàng chủ đạo là bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa và phân khúc khách hàng thu nhập thấp suy giảm khả năng trả nợ. Nợ xấu tăng cao kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dềnh lên, càng bào mòn lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đứng trước nhiều "cơn gió ngược", do đó khó duy trì như cùng kỳ các năm trước. Dự báo lợi nhuận cả năm, các công ty chứng khoán cũng nhận định tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay chỉ đạt 10% trong khi mức tăng của năm trước là trên 30%.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-apos-ngam-don-apos-do-tang-chi-tra-lai-tien-gui-du-cho-vay-kho-1096412.html