Ngân hàng ngầm khổng lồ của Trung Quốc làm thủ tục phá sản
Tập đoàn tài chính Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), một doanh nghiệp dạng ngân hàng ngầm ở Trung Quốc chính thức nộp đơn phá sản với lý do 'mất khả năng thanh toán nghiêm trọng'.
Tờ Financial Times cho biết, hôm 5-12, tòa án trung cấp ở Bắc Kinh đã đồng ý thụ lý đơn làm thủ tục phá sản và thanh lý tài sản của Zhongzhi. Trong đó, tập đoàn đưa ra lý do là mất khả năng thanh toán nợ.
Trong một thư ngỏ gửi tới các nhà đầu tư, bên cạnh lời giải thích “mất khả năng thanh toán nghiêm trọng”, Zhongzhi còn cho biết ban lãnh đạo đã ở trong trạng thái quản lý hỗn loạn sau cái chết của người sáng lập Xie Zhikun vào năm 2021. Thư ngỏ này cũng tiết lộ, tổng tài sản của Zhongzhi ở mức 200 tỉ nhân dân tệ (28 tỉ đô la Mỹ) nhưng nghĩa vụ thanh toán nợ lên tới 460 tỉ nhân dân tệ.
Cú sụp đổ của Zhongzhi làm tăng thêm lo ngại, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc và tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng đang gây tổn thương nghiêm trọng đến lĩnh vực ngân hàng ngầm của quốc gia này.
Bởi lẽ các ngân hàng ngầm là nơi tích lũy tiền tiết kiệm hộ gia đình và cung cấp sản phẩm quản lý tài sản đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu ở Trung Quốc. Hệ thống này được coi là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho những công ty nhỏ khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng truyền thống.
Được biết, Zhongzhi đã xây dựng một mạng lưới đầu tư phức tạp vào các công ty niêm yết và các nhà phát triển bất động sản với tư cách là ngân hàng ngầm trong nhiều thập niên. Vào thời kỳ đỉnh cao, Zhongzhi kiểm soát tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (140 tỉ đô la).
Chính sách cho vay rủi ro cao, tập trung thị trường bất động sản trên đà suy thoái khiến Zhongrong International Trust (công ty liên kết của Zhongzhi) không trả được nợ cho nhiều người đã mua sản phẩm đầu tư lãi suất cao của công ty này.
Shen Meng, giám đốc Công ty đầu tư Chanson & Company ở Bắc Kinh nhận định, Zhongzhi đã gặp rắc rối trong một thời gian dài. Ông cho biết, với những công ty lớn như Zhongzhi, Bắc Kinh thường sẽ thực hiện các biện pháp như kiểm tra kỹ lưỡng bảng cân đối kế toán trước khi cho phép quá trình pháp lý chính thức bắt đầu. Mục đích là để đảm bảo các rủi rủi ro từ quy trình phá sản được kiểm soát.
Ông nói thêm, chắc chắn giới chức trách đã kiểm tra kỹ lưỡng tình hình của Zhongzhi. Bởi lẽ công ty này có liên kết với nhiều thực thể khác nhau và có thể gây ra rủi ro cao cho hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Như vậy, việc để doanh nghiệp này thực hiện quy trình phá sản cho thấy chính phủ Trung Quốc tin tưởng có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của vụ việc. Đồng thời có những giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ ở một mức độ nào đó.
“Vụ phá sản của Zhongzhi là một ví dụ mới về những rạn nứt trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Nhiều tổ chức tài chính của Trung Quốc được dự báo phá sản trong những năm tới do họ đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn”, Ding Haifeng, nhà tư vấn của Công ty tư vấn tài chính Integrity ở Thượng Hải, nói.
Theo Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng của Công ty môi giới ngoại hối KCM Trade, khó khăn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã gây ra một làn sóng tháo chạy khác của nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc chứng kiến một công ty như Zhongzhi nộp đơn xin phá sản sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin và họ đang duy trì tỷ trọng đầu tư thấp ở Trung Quốc”, Tim Waterer nói
Theo Financial Times, SCMP