Ngân hàng Nhà nước bàn giải pháp nâng cao khả năng hấp thụ vốn của DN
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế, giải quyết vấn đề này hiệu quả là một thách thức lớn với NHNN.
Ngày 22-8, phát biểu tại hội thảo ''Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm'' do Viện Chiến lược ngân hàng NHNN tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn hơn so với 2022, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020).
Tìm lời giải hấp thụ vốn
Khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.
Trước tình hình này, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
''Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với 9,45% cùng thời điểm năm 2022''-Phó Thống đốc cho biết.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế, giải quyết vấn đề này hiệu quả là một thách thức lớn với NHNN.
Để hỗ trợ DN, từ đầu năm 2023 tới nay, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Ngày 14-8-2023, NHNN đã có văn bản số yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh
NHNN cũng liên tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai một số chương trình cho vay tiêu dùng, cho vay lãi suất thấp với DN vừa và nhỏ.
Các ngân hàng có nhiều chương trình cho vay đối với các ngành kinh tế ưu tiên, cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 7-2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỉ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Doanh nghiệp đau đầu vì đơn hàng giảm
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, đối với DN, dòng tiền như mạch máu cơ thể, cần phải luôn lưu thông. Với May 10 yếu tố khan hiếm vốn chỉ xảy ra vào cuối năm 2022 khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tương đối tốt, nhưng các ngân hàng gần như sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. Vì thế, các DN có chút khó khăn trong việc tiếp vốn.
Tuy nhiên, vấn đề bây giờ lại không phải khan hiếm vốn. Ông Thân Đức Việt cho biết các DN đang phải đối mặt vấn đề đơn hàng giảm sút. Nhìn đến cuối năm 2023, khả năng phục hồi kinh tế rồi các đơn hàng xuất khẩu lớn chưa có dấu hiệu phục hồi.
''Đơn hàng giảm đến 15-20% trong 8 tháng đầu năm dẫn đến nhu cầu về vốn đang giảm so với cùng kỳ 2022. Đây là nguyên nhân gốc khiến cho việc hấp thụ vốn của DN nói chung và May 10 nói riêng giảm sút'' – Tổng giám đốc May 10 nói.
Chưa kể, chi phí đầu vào chưa có dấu hiệu giảm, giá thành buộc phải giảm do yếu tố thị trường, DN phải đối mặt với nguy cơ kinh doanh không hiệu quả.
Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) gợi ý một số chính sách để tăng khả năng hấp thụ vốn như khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc hạ lãi suất cho vay. Biện pháp này giúp giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.
Tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh lưu ý đi kèm với giải pháp này phải kiểm soát cung tiền và tránh nôn nóng hạ lãi suất dồn dập.
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng với tình hình nợ công hiện tại, có ''dư địa” tài khóa để thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, đồng thời đẩy nhanh đầu tư công, kích thích tiêu dùng.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng quan trọng nhất là điều hướng nguồn vốn đúng đắn thì mới khơi thông và tăng khả năng hấp thụ vốn.
Phải điều chuyển nguồn vốn vào các DN sản xuất, giúp tạo ra việc làm, tạo thu nhập cho người dân từ đó kích thích tiêu dùng và vào đúng các DN có khả năng phục hồi, nếu không sẽ thành nợ xấu.
Ngoài ra, người lao động có những nhu cầu vay vốn cá nhân và nếu phải tìm đến tín dụng đen thì lãi suất rất cao. Do đó, ông Thân Đức Việt cho rằng các ngân hàng có thể thông qua DN, khơi thông nguồn vốn cho người lao động.