Ngân hàng Nhà nước báo cáo gì về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu?

Trong báo cáo giữa kỳ vừa gửi tới Quốc hội, bên cạnh vấn đề giải quyết ngân hàng yếu kém và sở hữu chéo, xử lý nợ xấu cũng là vấn đề quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đề cập.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 128.800 tỷ đồng nợ xấu. Về nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425.900 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng lên đến 5,22%.

Đến cuối tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng lên đến 5,22%.

Liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng, NHNN cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank). Đồng thời, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.

NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi các tổ chức tư vấn định giá phát hành chứng thư thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của 3 ngân hàng mua bắt buộc. Kiểm toán Nhà nước đang làm việc với NHNN, 3 ngân hàng mua bắt buộc, đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán trước khi gửi NHNN báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định.

Riêng với SCB, NHNN cho hay, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Trước đó, tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó phải có báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án xử lý SCB trong tháng 9, không để chậm trễ hơn.

Báo cáo Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ. Năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...

Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, NHNN cho biết, tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung một số điều, khoản theo hai hướng lớn.

Thứ nhất, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của 1 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thao túng, tăng cường tính đại chúng của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung khái niệm của người có liên quan, quy định về các trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; minh bạch thông tin... Hoàn thiện các quy định theo hướng tăng cường thẩm quyền của NHNN trong việc chấp nhận, miễn nhiệm đối với các chức danh quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của NHNN, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng…

Thứ hai, quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô...

Hiện, NHNN đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-nha-nuoc-bao-cao-gi-ve-van-de-tai-co-cau-va-xu-ly-no-xau-1095721.html