Ngân hàng Nhà nước xác nhận sẽ sửa Thông tư 06: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

Sau khi HoREA đề nghị NHNN xem xét nên sửa Thông tư 06 về cho vay bất động sản cho chuẩn, Thống đốc NHNN đã gửi thông tin cho lãnh đạo HoREA xác nhận, chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.

Thông tin từ ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ngày 14/8, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gửi thông tin cho HoREA, theo đó lãnh đạo NHNN giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng kiểm tra lại để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động (nếu cần thiết).

Tiếp đó, ngày 15/8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã hai lần gửi thông tin cho lãnh đạo HoREA xác nhận chủ đầu tư vẫn được vay tín dụng.

Lãnh đạo HoREA cũng cho biết, tiếp tục đề nghị Thống đốc xem xét nên sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho chuẩn, bởi lẽ dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần đủ pháp lý chứ không phải là phải đủ điều kiện kinh doanh, để các tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay tín dụng.

Thông tư 06 góp phần hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án bất động sản nâng cao tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo các dự án đủ điều kiện kinh doanh.

Thông tư 06 góp phần hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án bất động sản nâng cao tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo các dự án đủ điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc sửa này cũng là để thực hiện quan điểm của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ yêu cầu "Tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" và thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 8-7-2023 của Chính phủ về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ "chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả".

Ngay sau đó, Thống đốc NHNN đã gửi thông tin cho lãnh đạo HoREA xác nhận chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời cho biết sẽ cử cán bộ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Hiệp hội.

Chia sẻ về Thông tư này, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, nhà điều hành đã đưa ra các điều kiện mới cấm cho vay đối với hành vi góp vốn hoặc là hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, là đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước về việc nâng cao lành mạnh, năng lực cạnh tranh của tổ chức tín dụng. Đồng thời, xử lý được những vấn đề tồn đọng của các tổ chức tín dụng thời gian qua, trong đó có vấn đề về sở hữu chéo, vấn đề doanh nghiệp sân sau và những vấn đề nhóm lợi ích trong hoạt động cho vay của tổ chức ứng dụng.

“Thực tế, qua công tác thanh tra, giám sát thời gian qua NHNN thấy rằng, đối với hoạt động góp vốn và góp vốn để hợp tác kinh doanh đối với những dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh có những rủi ro trọng yếu đã phát sinh. Cụ thể là, khách hàng khi vay để góp vốn trong trường hợp này dẫn đến việc, toàn bộ nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chính bản thân dự án đó mà không có khả năng cân đối từ nguồn vốn của chính người đi vay”, ông nói.

Hơn nữa, hoạt động góp vốn đó có thời gian rất dài. Trong khi đó, khoản vay của ngân hàng có kỳ hạn xác định; đồng thời tổ chức tín dụng cũng không có khả năng kiểm soát được dòng tiền cũng như mục đích sử dụng vốn của người sử dụng vốn cuối cùng (trong trường hợp này là các dự án được góp vốn). Từ đó, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ trong tương lai của tổ chức tín dụng.

Chỉ còn 2 tuần nữa, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ chính thức có hiệu lực (1/9/2023).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, NHNN trước đó, HoREA cho rằng, khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã "bít đường” vay tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.

Lý giải cụ thể hơn về điều này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ở thời điểm này, sau khi chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng. Lúc này, chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng (bổ sung) để đầu tư xây dựng các công trình của dự án và dự án đã có đủ pháp lý thuộc giai đoạn thực hiện dự án, nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nên chưa được phép huy động vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

"Nếu dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì chủ đầu tư "không dại gì" đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao. Bởi lẽ, ở thời điểm này, chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng. Đây là nguồn vốn rẻ nhất, hiệu quả nhất của doanh nghiệp bất động sản do không bị áp lực phải trả lãi, trả vốn gốc, mà chỉ cần sớm hoàn thành dự án để bàn giao nhà cho khách hàng", ông Châu cho biết.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-nha-nuoc-xac-nhan-se-sua-thong-tu-06-du-an-chua-du-dieu-kien-kinh-doanh-van-duoc-vay-tin-dung-1094673.html