Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu

Đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2024.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024.

Chỉ thị nêu rõ, các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2024 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Theo nội dung Chỉ thị, NHNN xác định một số mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2024.

 Ngân hàng Yêu cầu các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu. Ảnh NHNN.

Ngân hàng Yêu cầu các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu. Ảnh NHNN.

Đối với tăng trưởng tín dụng: Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong năm 2024 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD. Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Ngành Ngân hàng cũng sẽ tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường trong việc chấp hành chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và các quy định trong hoạt động ngân hàng.

Cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thống đốc NHNN giao các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, TCTD triển khai các nhiệm vụ cụ thể, quy định rõ sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành. Các đơn vị thuộc NHNN trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị này, báo cáo tình hình thực hiện khi có yêu cầu của Văn phòng NHNN.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, ngành ngân hàng đón tín hiệu tích cực

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV ngày 18/1. Với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,28% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua có bố cục gồm 15 chương với 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

 Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với đường lối, chính sách và Hiến pháp 2013.

Ngoài ra, một điểm quan trọng không thể không nhắc tới là việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp lấp được khoảng trống pháp lý, khắc phục được việc Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 gây ảnh hưởng lớn tới việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Chia sẻ trên TTXVN, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở… trong thời gian qua.

Theo ông Cấn Văn Lực, việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp cho nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay được tháo gỡ; góp phần kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính)… Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần luật hóa liên quan đến xử lý nợ xấu trên tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Luật sư Trần Văn Nhiên, chuyên gia pháp lý trong ngành tài chính - ngân hàng cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có tác động ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng với nhiều vấn đề lớn cần thực hiện như việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông góp vốn là tổ chức và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông; công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng…

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ngan-hang-nha-nuoc-yeu-cau-cac-tctd-day-manh-xu-ly-thu-hoi-no-xau.html