Ngân hàng nhọc nhằn trong xử lý nợ xấu với các vụ kiện tụng tại tòa
Việc xử lý nợ xấu đang gặp nhiều vướng mắc do những bất hợp lý trong các thủ tục xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng tại tòa án. Nhiều vụ án kéo dài dây dưa nhiều năm không giải quyết được, những kẽ hở pháp lý cũng xuất hiện khiến cho ngân hàng bị 'mắc kẹt' không thu hồi được nợ và cũng không phát mại được tài sản ngay cả có tài sản thế chấp.
Nợ xấu vẫn còn nhức nhối
Theo Hiệp hội Ngân hàng, trong vòng 2 năm qua, ngành ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nợ xấu tiềm ẩn chưa đánh giá hết được. Thời gian qua để giải quyết khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, theo đó, những khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng được vay tiếp nếu có phương án kinh doanh hiệu quả.
Số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, số liệu này chưa phản ánh được hết thực tế và trên thực tế, khách hàng vẫn rất khó khăn và tiềm ẩn nợ xấu.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Hồng Vân
Đứng trước thực trạng nguy cơ nợ xấu gia tăng, hiện nay nhiều ngân hàng đã phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang tìm nhiều giải pháp để tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện ngành ngân hàng, hiện nay cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng. Ông Hùng cho biết, hành lang pháp lý là công cụ hiệu quả để tất cả xã hội có sự bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. “Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng”- ông Hùng nói.
Nhiều khoản nợ xấu vẫn “tắc” khi ra tòa
Các ngân hàng khi cho vay khách hàng đều thực hiện ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản khá chặt chẽ. Lý thuyết là vậy, những khoản nợ dù có tài sản đảm bảo, nhưng ngân hàng vẫn “tắc” không thể thu hồi nợ, cũng không thu được tài sản đảm bảo.
Thực tế phát sinh nhiều giao dịch tín dụng có tài sản đảm bảo của các ngân hàng (trong đó tập trung vào tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất) khi đưa ra tòa vẫn bị tòa án tuyên vô hiệu. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Câu lạc bộ pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng đồng thời là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank cho biết, nhiều trường hợp bị vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản đảm bảo trước đó bị vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện trước khi đem thế chấp ngân hàng).
Ông Long cho rằng quan điểm trên chưa phù hợp cả về pháp lý và thực tiễn, dẫn đến hệ quả nguy hiểm là khoản nợ (có khi đến hàng nghìn tỷ đồng) của khách hàng tại ngân hàng trở thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng.
Ngân hàng bao giờ cũng ký các hợp đồng bảo đảm cho khoản vay
Khi ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng bao giờ cũng ký các hợp đồng bảo đảm cho khoản vay. Hợp đồng đảm bảo khoản vay tuy chỉ là hợp đồng phụ, nhưng thường lại là vấn đề khó khăn nhất cho thẩm phán trong quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng do các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh vấn đề này thường xuyên thay đổi, thiếu thống nhất về nhận thức giữa các cấp tòa án. Thời gian xem xét các hợp đồng bảo đảm thường rất mất thời gian, đặc biệt là các hợp đồng thế chấp về nhà đất, nhất là nhà đất của bên thứ ba bảo đảm cho khoản vay của bị đơn là người vay tiền trong vụ tranh chấp. Nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt và không cho ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, dẫn đến việc xét xử và thi hành án bị kéo dài. - Ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh Tòa kinh tế - Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội
Việc bên đi vay lợi dụng những kẽ hở và bất cập trong thực thi pháp luật cũng là vấn đề nổi cộm hiện nay. Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng BIDV đưa ra thực trạng là có những khách hàng đã dùng việc mở thủ tục phá sản để “câu giờ” né tránh nghĩa vụ trả nợ. Thực tế cho thấy những vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng nếu bên vay mở thủ tục phá sản là một thực trạng cũng được đại diện ngành tư pháp thừa nhận. Ông Nguyễn Hữu Chính- Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội cho biết, hiện nay có tới 90% các trường hợp phá sản tòa Hà Nội không thể xử lý được do thiếu hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Ngoài ra, thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp bên đi vay không biết “vô tình, hay hữu ý” thực hiện ký kết các hợp đồng tín dụng nhưng không đúng thẩm quyền, chẳng hạn như chưa được sự đồng ý của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Đây cũng là một trong những rủi ro pháp lý dễ xảy ra và nhiều trường hợp khi vụ án đưa ra tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng, cũng có những trường hợp người đi vay cung cấp cho ngân hàng giấy tờ không đảm bảo tính pháp lý (chữ ký giả, giấy tờ giả …). Trong những trường hợp này ngân hàng đúng ra phải được xét là người thứ ba ngay tình do không thể xác định được thật giả của giấy tờ, nhưng không phải lúc nào quan điểm này cũng được tòa án chấp nhận.
Do đó, các tổ chức tín dụng không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ.
Quan điểm của các ngân hàng cũng cho rằng hiện không có quy định nào của pháp luật quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận; cũng như quy định tổ chức tín dụng có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo giấy chứng nhận đó.