Ngân hàng nhộn nhịp chia cổ tức những tháng cuối năm

Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cuối cùng để tiến hành trả cổ tức cho cổ đông theo kế hoạch đã đề ra trong 4 tháng còn lại của năm tài chính 2023.

Mới đây nhất, ngân hàng OCB thông báo 20/9/2023 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành, tỷ lệ 50%.

Tỷ lệ thực hiện là 2:1 tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 1 quyền và cứ 2 quyền sẽ nhận được 1 cổ phiếu mới. OCB thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với số lượng gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50%. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định.

Tương tự, trong tuần qua ngân hàng Eximbank cũng đã thông báo ngày 25/9/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Tỷ lệ phát hành 18%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 18 cổ phiếu mới.

Giá trị phát hành theo mệnh giá 2.656 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.

Trước đó, HĐQT ngân hàng Vietinbank đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý 3 - quý 4/2023.

Ngoài các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, VPBank là ngân hàng hiếm hoi còn lại có kế hoạch chia tiền mặt trong năm nay.

Ngân hàng này dự kiến chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Theo bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank, muộn nhất là quý 3/2023, ngân hàng sẽ hoàn tiến hành việc trả cổ tức cho cổ đông.

Điểm lại những ngân hàng chia cổ tức tiền mặt

Liên quan đến việc trả cổ tức, mặc dù trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt, các đơn vị còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu.

Những ngân hàng chia cổ tức tiền mặt bao gồm VPBank, HDBank, ACB, TPBank, MB và VIB.

Tại HDBank, ngày 15/5 vừa qua, ngân hàng này đã công bố kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Những cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng là 30/5 sẽ nhận được 1.000 đồng/cổ phiếu nắm giữ. Ngày thanh toán là 12/6.

Đối với VIB, năm 2022 ngân hàng này đã thu về hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, qua đó mạnh tay chia cổ tức 35% thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt (chia thành 2 đợt 10% và 5%).

Đây là năm đầu tiên ngân hàng chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giữ lại lợi nhuận để củng cố an toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.

Với 2,1 tỷ cổ phiếu phổ thông lưu hành, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà ngân hàng này đã bỏ ra trong 2 đợt là 3.150 tỷ đồng.

Trong khi đó, ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%. Với kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng này đề xuất sẽ sử dụng gần 8.444 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ đồng.

Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới được nhận được cổ tức bằng tiền mặt.

Hai ngân hàng còn lại bao gồm MB TPBank cũng lần lượt trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% và 25%.

Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này. Trong khi đó MB sẽ dùng hơn 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ngan-hang-nhon-nhip-chia-co-tuc-nhung-thang-cuoi-nam-post26652.html