Ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phiếu ESOP

Việc phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP không chỉ góp phần tăng vốn điều lệ, củng cố tiềm lực tài chính cho ngân hàng, mà còn tạo động lực để đội ngũ nhân sự gắn bó và cống hiến nhiều hơn...

Năm 2025, làn sóng phát hành cổ phiếu ESOP tiếp tục lan rộng trong ngành ngân hàng, khi hàng loạt nhà băng công bố kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Đây không chỉ là cách ghi nhận đóng góp nội bộ sau giai đoạn tăng trưởng, mà còn là chiến lược giữ chân nhân sự và gia tăng giá trị cho cổ đông trong dài hạn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa qua, ngân hàng VIB đã trình cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Với kết quả đạt được trong năm qua, sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận hợp nhất còn lại của VIB là hơn 4.059 tỷ đồng, lợi nhuận riêng lẻ là hơn 3.963 tỷ đồng.

Theo đề xuất của Hội đồng quản trị, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ bằng tiền với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng). Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng. Nhưng ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, Hội đồng quản trị VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.

Theo đó, VIB sẽ phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, VIB phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.

Toàn bộ vốn điều lệ tăng thêm sẽ được VIB sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đẩy mạnh cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh…

Trong khi đó, cổ đông Nam A Bank đã thống nhất phương án nâng vốn điều lệ thêm hơn 4.281 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn (ESOP).

Trong đó, về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng dự định phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25%, giúp vốn điều lệ tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.

Nguồn phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ khác theo quy định của pháp luật tại ngày 31/12/2024 căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024). Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2025, sau khi ngân hàng nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Về phương án ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 85 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm 850 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng và công ty con của ngân hàng Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng đúng mệnh giá.

Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng một năm và 50% trong năm tiếp theo kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2025, sau khi được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi Nam A Bank đã hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Sau khi hoàn thành cả hai kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.736 tỷ đồng lên 18.007 tỷ đồng.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ngân hàng Techcombank dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng với tỷ lệ hơn 0,3%, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 214 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến thực hiện trong quý 3 hoặc quý 4/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP này sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động ngân hàng.

Tương tự, ngân hàng OCB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, Ngân hàng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ OCB sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.

Trước đó, OCB thường sử dụng lợi nhuận để phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Trong năm 2024, Ngân hàng đã tăng vốn từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa được triển khai do tình hình thị trường chưa phù hợp.

ESOP đã và đang trở thành một trong những “phần thưởng” quen thuộc tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành ngân hàng. Khi phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên, các ngân hàng không chỉ ghi nhận đóng góp của đội ngũ mà còn tạo động lực để họ đồng hành lâu dài. Được mua hoặc nhận cổ phiếu với mức giá hấp dẫn, người lao động vừa có thêm quyền lợi, vừa trở thành cổ đông, từ đó gắn bó và cống hiến hơn cho sự phát triển chung.

Song song đó, vốn điều lệ của ngân hàng cũng được củng cố thông qua các đợt phát hành ESOP. Với nguồn lực mới, ngân hàng có thêm dư địa để ứng phó trước các biến động kinh tế, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tăng trích lập dự phòng, mở rộng tín dụng và đẩy mạnh đầu tư vào các mảng then chốt như công nghệ. Đây cũng là một chiến lược kép: vừa giữ chân nhân tài, vừa gia cố nền tảng tài chính cho tương lai.

Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập FinSuccess cho rằng ESOP thường có giá thấp hơn nhiều so với thị giá. Nhà đầu tư nên quan sát việc chia ESOP có nhiều hay không.

Ở khía cạnh tích cực, nếu người lao động và cổ đông song hành với nhau thì công ty đó sẽ đi đến mục tiêu nhanh, khi người lao động cũng là ông chủ của công ty, tạo ra động lực làm việc mạnh mẽ. Do đó, nếu làm đúng, ESOP là một yếu tố rất tốt.

Còn ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng Chiến lược thị trường Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý, cần đánh giá về mặt định lượng, tức là ESOP trong tương lai có tạo ra sự hấp dẫn cho cổ đông hay không. Ở Việt Nam, ESOP không được phản ánh vào chi phí doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư cần xét cả vấn đề này khi định giá.

Minh Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ngan-hang-o-at-phat-hanh-co-phieu-esop-post559379.html