Ngân hàng Phát triển Châu Á chấm dứt tài trợ việc khai thác than, dầu và khí đốt
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ không còn tài trợ cho việc khai thác than hoặc sản xuất và thăm dò dầu khí tự nhiên. Ngân hàng này đã công bố trong một dự thảo tuyên bố chính sách hôm thứ Sáu (7/5), một động thái được các nhóm môi trường hoan nghênh, vốn cho rằng đã quá hạn một thập kỷ.
Ngân hàng phát triển châu Á có kế hoạch chấm dứt tài trợ đối với ngành than, dầu và khí đốt - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Giám đốc vùng ADB: Kinh tế Việt Nam vững vàng trong đại dịch
ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 2,3%
ADB dự báo Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng nhanh vào năm 2021
Ngân hàng phát triển đa phương, tập trung vào xóa đói giảm nghèo ở châu Á, không đưa ra thời hạn cho cam kết của mình. Họ cũng đặt ra các điều kiện mà theo đó các dự án nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục nhận được tài trợ, chẳng hạn như ở những nơi không có công nghệ hiệu quả về chi phí nào khác.
Yongping Zhai, người đứng đầu lĩnh vực năng lượng của ADB, cho biết dự thảo sẽ được ban giám đốc xem xét vào tháng 10.
Đầu tuần này, các nhóm công nghệ sạch đã thúc giục ADB chấm dứt các khoản cho vay đối với toàn bộ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
"Dự thảo chính sách cấm khai thác than đã muộn một thập kỷ, nhưng nó vẫn giúp xây dựng, hoạch định kinh tế trong quá trình chuyển đổi năng lượng cho các chính phủ và nhà đầu tư, đồng thời sẽ giúp tránh nhiều tài sản than bị mắc kẹt hơn", Pedro H. Maniego Jr., cố vấn chính sách cấp cao tại Viện Khí hậu và Các thành phố bền vững cho biết.
Ông nói thêm: “Nếu Ngân hàng coi khí hóa thạch là cầu nối và nhiên liệu chuyển tiếp, thì Ngân hàng cần quy định việc chấm dứt”.
Được thành lập vào đầu những năm 1960 và có trụ sở chính tại Manila, ADB đã chuyển 42,5 tỷ đô la Mỹ vào lĩnh vực năng lượng trên toàn khu vực từ năm 2009 đến năm 2019, tổ chức này cho biết trên trang web của mình.
Quyết định của ABD đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy chiến dịch giảm phát thải khí nhà kính trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ làm chủ trì kết thúc mới đây, Tổng thống Joe Biden cam kết giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, tăng gấp đôi mục tiêu 26-28% vào năm 2025 mà cựu tổng thống Barack Obama đề cập trong Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2005.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng cho biết nước này đặt mục tiêu cắt giảm 46% lượng khí thải vào năm 2030, nhiều hơn đáng kể so với cam kết trước đó. Canada dự kiến cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Liên minh châu Âu (EU) xác nhận các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của riêng mình. Trong khi đó, Anh đưa ra các mục tiêu sâu rộng nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào với mức cắt giảm 78% so với mức năm 1990 vào năm 2035.