Ngân hàng 'quán quân' cho khách vay tiền nhiều nhất

Cho vay khách hàng của 30 ngân hàng thương mại đạt 12,328 triệu tỷ đồng, tăng 7,21%, tính đến 30/6. Nhóm Big4 chiếm thị phần tới 52%. Trong khi ABBank là ngân hàng duy nhất đạt mức tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2024 của 30 ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt 7,21%, tổng lượng vốn cho vay đạt 12,328 triệu tỷ đồng.

4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) dẫn đầu thị trường về cho vay, với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng tính đến 30/6. Thị phần cho vay của Big4 ngân hàng chiếm đến 52% tổng thị phần của 30 ngân hàng cộng lại.

Nếu tính Top 10 ngân hàng cho vay lớn nhất 6 tháng đầu năm, tổng lượng vốn cho vay của 10 nhà băng này lên tới 9,598 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 78% tổng dư nợ của cả 30 ngân hàng.

Do 5 ngân hàng yếu kém gồm SCB, Dong A Bank, OceanBank, GPBank và CB không công bố báo cáo tài chính nên tổng quan về thị phần cho vay của ngành ngân hàng trong bài viết này không có 5 ngân hàng trên.

Biểu đồ: Ngọc Tuân

Ngân hàng BIDV dẫn đầu thị trường về lượng vốn cho vay với hơn 1,84 triệu tỷ đồng tính đến 30/6, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2023 và chiếm 15% thị phần cho vay chung.

Agribank và VietinBank có dư nợ cho vay tính đến 30/6 đạt lần lượt 1,59 và 1,55 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng tín dụng 2,59% và 6,69% so với cuối năm 2023.

Vietcombank đạt dư nợ cho vay thấp nhất trong nhóm Big4 với hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng tưởng tín dụng đạt 7,75%.

Xét về thị phần cho vay của 30 ngân hàng, Agribank chiếm 12,9%, VietinBank chiếm 12,64% và Vietcombank chiếm 11%.

Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, Top 10 ngân hàng dẫn đầu về dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm gồm: Ngân hàng Quân đội (MB) 636.661 tỷ đồng, tăng 10,17% so với cuối năm 2023, chiếm 5,16% thị phần; Techcombank 567.389 tỷ đồng, tăng 13%, chiếm 4,6% thị phần; VPBank 552.225 tỷ đồng, tăng 11,24%, chiếm 4,48% thị phần; ACB 540.813 tỷ đồng, tăng 12,37%, chiếm 4,39% thị phần; Sacombank 505.136 tỷ đồng, tăng 7,05%, chiếm 4,1% thị phần; và SHB 447.012 tỷ đồng, tăng 5,25%, chiếm 3,63% thị phần.

Biểu đồ: Ngọc Tuân

Dù đứng thứ 12 theo thứ tự các ngân hàng cho vay lớn nhất, LPBank lại là đơn vị đạt mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm. Dư nợ cho vay đến 30/6 của LPBank là 317.394 tỷ đồng, tăng tới 15,23% so với 31/12/2023.

Một ngân hàng quy mô nhỏ bất ngờ đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 15% là NCB với con số cho vay khách hàng đạt 64.198 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 15,99%.

Một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% trong 6 tháng đầu năm gồm: HDBank 12,8%; MSB 12,56%; Nam A Bank 10,69%; VietBank 10,21%; và KienLong Bank 10,02%.

Ngược lại, ABBank là ngân hàng duy nhất đạt mức tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 7,2%. Cho vay khách hàng của nhà băng này đến 30/6 chỉ đạt 91.037 tỷ đồng.

Xét về con số tuyệt đối, Saigonbank và PGBank là hai ngân hàng xếp cuối về dư nợ cho vay, lần lượt đạt 20.319 tỷ đồng (tăng 1,76%) và 36.702 tỷ đồng (tăng 3,8%).

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-quan-quan-cho-khach-vay-tien-nhieu-nhat-2310643.html