Ngân hàng quay trở lại cho vay doanh nghiệp lớn?

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu, tín dụng doanh nghiệp đang trở thành động lực tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.

Dư nợ bán buôn tăng mạnh

Báo cáo tài chính quý I/2024 của VPBank mới đây ghi nhận tỷ trọng tín dụng của mảng bán lẻ còn 49,6%. Lần đầu tiên sau nhiều năm, VPBank cho vay khách hàng doanh nghiệp vượt khách hàng cá nhân.

Tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VPBank đã liên tục sụt giảm thời gian gần đây. Năm 2022, dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank chiếm tới 59% tổng dư nợ khách hàng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ này chỉ còn 51,7% và giảm xuống còn 49,6% trong quý đầu năm 2024.

Năm nay, tỷ trọng có thể tiếp tục giảm xuống khi VPBank hướng tới đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp FDI.

“Mảng khách hàng FDI có thể tăng gấp đôi số lượng, gấp 4 lần quy mô tín dụng và huy động. Phân khúc FDI sẽ trở thành một trong những phân khúc lớn của VPBank", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhận định.

Một lĩnh vực khác được ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ có thể tăng tài trợ vốn là bất động sản, trong đó các nhà phát triển bất động sản, xây dựng đang chiếm khoảng 19% tổng dư nợ.

Năm 2024, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng hơn 752.000 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng lớn đòi hỏi phải có nguồn hấp thụ, và thị trường khách hàng doanh nghiệp đang tỏ ra tiềm năng hơn khi phục hồi sớm hơn so với nhu cầu tiêu dùng chung.

VPBank không phải trường hợp cá biệt. ACB, ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ lớn nhất ngành với gần 94% tổng dư nợ cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay doanh nghiệp rất tốt trong năm 2023.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2024, Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến phát cho biết ngân hàng đang có hướng phát triển mảng doanh nghiệp lớn và vừa.

“Năm 2023, ACB đạt tăng trưởng tới 16% ở mảng khách hàng doanh nghiệp nhờ nhận định đúng thị trường và tập trung vào những lĩnh vực, doanh nghiệp cụ thể. Đây là một trong những xoay chuyển quan trọng giúp ACB có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn những năm trước và bình quân của ngành”, ông Phát chia sẻ.

VIB, ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ trên tổng dư nợ trong nhóm cao nhất thị trường hiện nay cũng có sự dịch chuyển. Năm 2022, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VIB chiếm 89,6% tổng dư nợ, sau đó giảm xuống 84,4% vào năm 2023 và 84% vào cuối quý I/2024.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu, tín dụng doanh nghiệp đang trở thành động lực tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.

“Khi tăng trưởng tín dụng mua nhà gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết.

Tại Techcombank, ngân hàng từ lâu đã luôn tập trung cho vay doanh nghiệp lớn, hoạt động này lại càng được đẩy mạnh.

"Lý do Techcombank tiếp tục tập trung vào tín dụng doanh nghiệp trong năm 2023 là bởi rủi ro thấp do dòng tiền của các tập đoàn lớn ổn định hơn. Đồng thời, khẩu vị đầu tư của những doanh nghiệp này cũng mạnh mẽ hơn và có nhiều khả năng tận dụng cơ hội", Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner chia sẻ.

Tìm kiếm sự cân bằng

Trên thực tế, trước khi có làn sóng bùng nổ của ngân hàng bán lẻ, tín dụng tại các nhà băng đa phần tập trung cho nhóm doanh nghiệp lớn. Trước xu hướng dịch chuyển trở lại bán buôn của một số ngân hàng thời gian qua, liệu xu hướng này có quay trở lại?

Câu trả lời có lẽ là không. BIDV, một trong những ngân hàng từng chỉ tập trung cho vay doanh nghiệp chia sẻ, danh mục cho vay của nhà băng hiện đang cân bằng hơn trước rất nhiều.

Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú chia sẻ nếu cách đây 10 năm, BIDV thiên về doanh nghiệp, thì hiện tại ngân hàng tham gia trên gần như mọi phân khúc.

Hiện tỷ lệ dư nợ khách hàng lớn chiếm 33%, khách hàng vừa và nhỏ là 23%, khách hàng cá nhân 43%. Cấu trúc này phù hợp với các ngân hàng thương mại và phù hợp với cấu trúc nền kinh tế.

“Nhìn chung, cấu trúc khách hàng của BIDV cả về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, FDI, SMEs hiện tương đối ổn định”, ông Tú cho biết.

Thị trường tài chính Việt Nam trong hơn 1 thập kỷ qua đã cùng lúc chứng kiến hai cuộc khủng hoảng: suy thoái kinh tế giai đoạn 2008 – 2013 khiến nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước sụp đổ và dịch Covid-19 khiến cho vay tiêu dùng sa sút. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng lớn đều tìm đến một chiến lược cân bằng hơn giữa bán buôn và bán lẻ.

"Với VPBank, trước đây chúng tôi là ngân hàng bán lẻ, tập trung vào cho vay cá nhân, cho vay SME thì giờ đây VPBank thành ngân hàng đa năng, không chỉ tập trung vào SME mà cả doanh nghiệp lớn", CEO Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Ở chiều ngược lại, những ngân hàng tập trung bán buôn thì dự kiến dịch chuyển sang bán lẻ. Ban lãnh đạo Techcombank cho biết, đa dạng hóa danh mục tín dụng được chọn làm một trong ba định hướng trọng tâm phát triển của ngân hàng trong năm 2024.

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng sẽ từng bước phát triển các phân khúc không phải thế mạnh của Techcombank như SME, khách hàng đại chúng và tín dụng tiêu dùng.

Tương tự, MB có mục tiêu dư nợ bán lẻ năm nay sẽ chiếm trên 50% tổng dư nợ. Tổng giám đốc ngân hàng Phạm Như Ánh cho biết MB vẫn tập trung chuyển dịch sang bán lẻ.

Chiến lược của MB hướng tới sự cân bằng sau giai đoạn ngân hàng cũng vướng phải không ít những khoản nợ khó đòi liên quan tới doanh nghiệp lớn như NovaLand, Trung Nam. Một doanh mục cân bằng hơn có thể là điều ban lãnh đạo ngân hàng hướng đến, và ngân hàng nhiều năm qua cũng đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực này.

Trong năm 2023, nhờ vào hệ sinh thái của mình, MB đã nâng số lượng khách hàng lên 26,5 triệu và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 30 triệu khách hàng, một con số cao trong nhóm ngân hàng cổ phần.

"MB sẽ tập trung các nền tảng quan trọng, chuyển đổi số, xây dựng 2 nền tảng quan trọng để phục vụ tập khách hàng quy mô lớn. Đặc biệt tăng khả năng cho vay trên tập khách hàng này. Chúng ta sẽ đầu tư cho công nghệ, củng cố công ty thành viên", ông Ánh chia sẻ.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngan-hang-quay-tro-lai-cho-vay-doanh-nghiep-lon-1715407268225.htm