Ngân hàng rao bán lỗ món nợ của doanh nghiệp từng xin phá sản

Công ty cổ phần Beton 6 (BT6) từng xin mở thủ tục phá sản nhưng không được các chủ nợ chấp nhận. Một trong số các chủ nợ là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đang cố gắng bán đi khoản nợ của BT6.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa thông báo đấu giá tài sản đối với toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Beton 6 (mã chứng khoán: BT6). Đây là lần thông báo thứ 8 sau 7 lần thông báo đấu giá trước đó nhưng không tìm được người mua.

Khoản nợ của CTCP Beton 6 tại NCB phát sinh theo các hợp đồng tín dụng đã ký từ năm 2016 và 2018. Khoản vay với lãi suất 8,5%/năm, được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai từ các hợp đồng thi công cung ứng sản phẩm.

Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến 30/8/2022 là 52,924 tỷ đồng (trong đó, dư nợ gốc 29,669 tỷ đồng).

Trong lần đấu giá thứ 8, mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 14,190 tỷ đồng. Giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính phải nộp theo quy định.

Trước đó, tại lần bán đấu giá lần đầu vào ngày 10/10/2022, NCB thông báo giá khởi điểm cho khoản nợ này là 29,669 tỷ đồng, bằng đúng với số dư nợ gốc.

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của BT6. (nguồn: BCTC bán niên 2022).

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của BT6. (nguồn: BCTC bán niên 2022).

Như vậy, sau nhiều lần rao bán không thành, giá đấu khởi điểm cho khoản nợ của Beton 6 tại NCB đã giảm 52% so với mức giá ban đầu. Ngân hàng không chỉ chấp nhận mất toàn bộ số tiền lãi mà còn mất phân nửa số dư nợ gốc nếu may mắn bán nợ thành công.

NCB lưu ý tiền lãi vẫn tiếp tục phát sinh kể từ ngày 30/8/2022 cho đến khi CTCP Beton 6 thanh toán xong nợ gốc tiền vay.

Người mua được khoản nợ được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh.

Phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 22/3/2023 tại Văn phòng Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Việt.

CTCP Beton 6 trước đây là Công ty Bê tông 620 Châu Thới, thuộc Bộ GTVT, được cổ phần hóa từ năm 2000. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông tươi, vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, năm 2019, Beton 6 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi TAND tỉnh Bình Dương do công ty đã mất khả năng thanh toán những khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ. Tháng 1/2020, TAND tỉnh Bình Dương đã có quyết định số 01/2020/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Beton 6.

Tháng 11/2022, TAND tỉnh Bình Dương mở hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ trương quyết định phương án phục hồi công ty, các chủ nợ đề nghị công ty phải có phương án phục hồi chi tiết gửi cho các chủ nợ trước khi tổ chức lại hội nghị chủ nợ để quyết định.

Theo BCTC bán niên đã kiểm toán năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Beton 6 âm 16,96 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 là 785 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 727 tỷ đồng. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.

Bên cạnh khoản nợ gốc 29,669 tỷ đồng tại ngân hàng NCB, Beton 6 còn có khoản nợ ngắn hạn hơn 63 tỷ đồng tại Eximbank và hơn 63 tỷ đồng tại Vietcombank. Ngoài ra còn các khoản nợ với một số cá nhân, tổ chức.

Beton 6 cho biết công ty không có khả năng trả các khoản vay nợ ngắn hạn do đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có luồng tiền để thanh toán.

Cổ phiếu BT6 đang được niêm yết trên sàn UPCOM. Đóng cửa phiên giao dịch 17/3, giá cổ phiếu BT6 đạt 2.900 đồng/cp. Ngay cả khi thị trường chứng khoán từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cổ phiếu BT6 luôn được giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng kể từ tháng 10/2011 đến nay.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-rao-ban-lan-8-mon-no-cua-doanh-nghiep-tung-xin-pha-san-2121655.html